Báo Đồng Nai điện tử
En

Quảng bá sản phẩm địa phương qua mạng xã hội

03:05, 04/05/2022

Bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp hoặc thông qua các website..., thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội.

Bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp hoặc thông qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, các gian hàng mô phỏng thực tế ảo, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội.

 Người dân tham khảo các sản phẩm địa phương tại showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: L.Phương
Người dân tham khảo các sản phẩm địa phương tại showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: L.Phương

* DN, HTX ngày càng quan tâm

Nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất, nhất là các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh ngày càng quan tâm tới các kênh quảng bá sản phẩm trực tuyến, trong đó có các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo…

Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) cho biết, công ty đã lập một fanpage có tên “Thuan Huong Chips” được hơn 2 năm nay để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của công ty trên mạng xã hội Facebook.

“Đây là một hoạt động quảng bá mang tính xu thế trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và được người tiêu dùng đón nhận ngày càng nhiều. Công ty còn bố trí kinh phí hằng tháng để duy trì và phát triển fanpage này, cũng như thu hút thêm lượt tương tác từ phía người dùng” - bà Yến chia sẻ.

Tương tự, ông Ngô Thanh Long, đại diện Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long Anna (H.Thống Nhất), cho hay bên cạnh website quảng bá, cơ sở còn phát triển các trang Zalo, Facebook và Youtube để giới thiệu sản phẩm từ 3 năm nay và được đầu tư về nội dung kỹ lưỡng từ 2 năm trở lại đây. Trong đó, chú trọng các bài viết chuẩn SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), phù hợp với thuật toán của Google, triển khai chạy quảng cáo trên Facebook, Google Ads… để thông tin về sản phẩm của cơ sở xuất hiện nhiều hơn trên các công cụ tìm kiếm, từ đó tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

* Tạo kênh riêng để giới thiệu sản phẩm

Hiện nay, showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT), sản phẩm OCOP của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) có trên 2 ngàn sản phẩm, bao gồm 177 loại sản phẩm CNNT tiêu biểu, 28 loại sản phẩm OCOP của 141 cơ sở, DN tham gia trưng bày, giới thiệu.

Trang Facebook Khuyến công Đồng Nai mới được Sở Công thương lập ra để giới thiệu hình ảnh các sản phẩm tại showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh
Trang Facebook Khuyến công Đồng Nai mới được Sở Công thương lập ra để giới thiệu hình ảnh các sản phẩm tại showroom trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, nhằm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm trưng bày quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp cận thông tin, hình ảnh sản phẩm trưng bày tại showroom để lựa chọn hàng hóa tiêu dùng, kết nối giao thương, hợp tác phát triển, Sở Công thương đã tạo lập trang mạng xã hội Zalo với tên Điểm bán sản phẩm CNNT, OCOP tỉnh Đồng Nai và Facebook: Khuyến công Đồng Nai (điểm bán sản phẩm CNNT, sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai), điện thoại/Zalo/Facebook: 0819348787 để đăng tải các thông tin, hình ảnh sản phẩm, hoạt động để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh.

Tính đến nay, theo thống kê từ Sở Công thương, các trang Facebook và Zalo này đã giới thiệu rộng rãi hình ảnh sản phẩm, hoạt động của các cơ sở CNNT tiêu biểu đến khách hàng và người tiêu dùng với số lượng khoảng 20 clip, 90 bài đăng kèm 420 hình ảnh sản phẩm giới thiệu về showroom, thông tin cơ sở, sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP Đồng Nai…

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ chia sẻ, HTX ngày càng chú trọng đến các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh mạng xã hội của riêng HTX và các kênh do Sở Công thương triển khai. Trong thời gian tới, HTX mong muốn hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm này được nhân rộng, phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn để sản phẩm địa phương có cơ hội vươn xa hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng, đối tác mới trong và ngoài tỉnh.

Tương tự, bà Liu Thị Yến bày tỏ, các kênh quảng bá này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất, DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có thêm cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương. Để vận hành và phát triển các kênh quảng bá này một cách hiệu quả đòi hỏi cơ quan quản lý và các DN, HTX, cơ sơ sản xuất xây dựng phương án, lộ trình phù hợp, đảm bảo các yếu tố về chất lượng, uy tín để người tiêu dùng ngày càng biết đến và tin dùng các sản phẩm nổi bật của địa phương.

Chị BẢO NGỌC (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ, khi đời sống phát triển thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa trở nên sôi động hơn, trong đó các hình thức tìm kiếm, đặt mua hàng hóa thông qua các kênh mua bán hàng online, livestream, sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội như: Facebook, Zalo… ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, việc phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương trên các nền tảng mạng xã hội là phù hợp với xu thế hiện nay.

Vấn đề là việc duy trì và phát huy hiệu quả của các kênh quảng bá này ra sao để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm sản phẩm; thông tin sản phẩm cần được cập nhật thường xuyên với nhiều hình thức giới thiệu sáng tạo, linh hoạt nhằm tránh sự nhàm chán, sơ sài khi người tiêu dùng nhấn vào sản phẩm để tham khảo, đặt mua…

Lam Phương

Tin xem nhiều