Hỗ trợ về vốn, đặc biệt tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay không thế chấp là mong muốn lớn nhất của nông dân để có nguồn lực khôi phục sản xuất sau khó khăn.
Hỗ trợ về vốn, đặc biệt tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay không thế chấp là mong muốn lớn nhất của nông dân để có nguồn lực khôi phục sản xuất sau khó khăn.
Doanh nghiệp chế biến tại H.Định Quán mong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tái đầu tư trong khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Lê Quyên |
Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình ưu đãi, hỗ trợ vốn để nông dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.
* Cần trợ lực bằng nguồn vốn rẻ
Để khôi phục sản xuất trong khó khăn, nông dân, DN, HTX đều có nhu cầu về nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, vốn ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Việt Long (tỉnh Quảng Ninh) Lê Quang Thắng cho biết, DN đã liên kết với 830 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã được công nhận là các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.
Sau khi chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi sản xuất nhưng không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay. “Chính phủ sẽ có giải pháp gì để chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất? Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để trong thời gian tới nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản để đảm bảo, phù hợp với quy định hiện hành? Đồng thời, các DN đồng hành với nông dân cũng được có chính sách vay vốn ưu đãi như nông dân?” - ông Thắng đặt câu hỏi.
Chỉ ra mặt trái của việc khó tiếp cận nguồn vốn khiến nạn “tín dụng đen” vẫn tồn tại phổ biến tại các vùng quê, bà Trần Thị Thanh Thoan, nông dân nuôi bò sữa tại tỉnh Hà Nam đặt câu hỏi: "Giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn “tín dụng đen” ở nông thôn?".
* Hỗ trợ vốn là chính sách “không bao giờ ngừng nghỉ”
Giải đáp về những chính sách, chương trình vốn cho nông nghiệp, nông thôn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vốn cho nông nghiệp, người nông dân luôn là chính sách “không bao giờ ngừng nghỉ” của Trung ương, Chính phủ. Nhiều chính sách bản chất cũng đều xuất phát từ nông dân.
Ngành ngân hàng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách về vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Cụ thể, ngay từ khi có dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; 2 lần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và hỗ trợ hơn nữa cho người dân, DN.
Chính phủ vừa ban hành gói 350 ngàn tỷ đồng, trong đó 40 ngàn tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất. Chính sách này đã được triển khai từ ngày 20-5-2022. Cộng hưởng với các chính sách của ngành tiếp tục được triển khai như giãn hoãn, kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ là nguồn lực quan trọng cho các DN, nông dân.
Lê Quyên