Là một trong những điểm đến hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Đồng Nai từ lâu đã trở thành địa phương thu hút đông đảo hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) đến làm ăn, khởi sự kinh doanh và phát triển sự nghiệp.
Là một trong những điểm đến hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Đồng Nai từ lâu đã trở thành địa phương thu hút đông đảo hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) đến làm ăn, khởi sự kinh doanh và phát triển sự nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương. Ảnh: V.Gia |
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là điều mà Đồng Nai luôn nỗ lực. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh và các yếu tố khác, đánh giá từ cộng đồng DN về PCI của Đồng Nai lại chưa được như kỳ vọng.
* Điểm tăng nhưng xếp hạng lại giảm
Báo cáo chỉ số PCI năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố mới đây cho thấy tình hình cải cách vẫn trên đà cải thiện rõ nét, có tác dụng thiết thực với DN.
VCCI phân tích, có 74% DN cho rằng: “Khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND địa phương đã năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 62% DN xác nhận chính quyền địa phương có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN… Báo cáo chỉ số PCI năm 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 11,3 ngàn DN. Trong đó, có trên 10,1 ngàn DN tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 1,1 ngàn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong 10 tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Đồng Nai có 6/10 tiêu chí tăng điểm so với năm 2020 là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ DN và thiết chế pháp lý. Trong đó, cải thiện nhiều nhất là các dịch vụ hỗ trợ DN.
Ngoài ra, kết quả Chỉ số cơ sở hạ tầng PCI 2021, Đồng Nai xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Dù không được đưa vào tính toán điểm số và xếp hạng PCI, Chỉ số cơ sở hạ tầng cung cấp thông tin hữu ích cho DN và các nhà hoạch định chính sách. Chỉ số này được xây dựng dựa trên kết hợp nguồn thông tin chính thức của các cơ quan nhà nước và nguồn thông tin từ khảo sát DN về chất lượng cơ sở hạ tầng.
Chỉ số cơ sở hạ tầng trong PCI 2021 gồm 5 yếu tố là: khu công nghiệp, đường bộ, điện năng, viễn thông và các hạ tầng khác. Trong năm 2021, Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hà Nội là những địa phương có kết quả tốt nhất trong Chỉ số cơ sở hạ tầng.
Tổng hợp kết quả đánh giá, Đồng Nai đạt 65.75 điểm, tăng 1.09 điểm so với năm 2020 (64.56 điểm), tuy nhiên xếp hạng chỉ 22/63 tỉnh, thành phố (giảm 2 hạng so với năm 2020). 3 địa phương đứng đầu là: Quảng Ninh, Hải Phòng và Đồng Tháp. Điều đó cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực, cải thiện chất lượng và môi trường kinh doanh của các sở, ngành, địa phương đã có tiến bộ nhưng từ góc nhìn của DN, vẫn cần có sự thông thoáng hơn nữa.
* Tiếp tục cải thiện vị trí
Đánh giá một cách khách quan, so với trước đây, Đồng Nai đã có những cải thiện rõ rệt trong môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là ở các lĩnh vực kiểm tra thuế, môi trường, hải quan, phòng cháy, chữa cháy… đã được DN đánh giá tốt hơn nhiều. Kết quả đó là nỗ lực lớn của tỉnh trong thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh.
Trên địa bàn Đồng Nai, hiện có khoảng 40 ngàn DN được thành lập, là một trong những địa phương có số lượng DN lớn nên việc quan tâm, hỗ trợ là rất quan trọng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN trong giải quyết các thủ tục hành chính, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ DN phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.
Đồng Nai phấn đấu chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2022 sẽ xếp hạng 18 trong cả nước và vươn dần lên trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, kết quả tổng hợp năm 2021 lại có bước thụt lùi nhất định so với 2020 cho thấy Đồng Nai cần nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu của năm 2022.
Việc xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 bị thụt lùi có một phần nguyên nhân do dịch bệnh, khi tình hình sản xuất, kinh doanh trở lại ổn định, việc cải thiện PCI cần thường xuyên, liên tục. Trong một thế giới phát triển nhanh, sự cạnh tranh giữa các địa phương để tận dụng tiềm năng lợi thế của mình sẽ càng mạnh mẽ hơn. Địa phương nào đứng yên hoặc cải cách chậm hơn, tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.
Có một điều đáng mừng là dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng sức hút và nhu cầu thành lập DN mới vẫn gia tăng. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 4 tháng đầu năm 2022, số lượng DN thành lập mới có 1.373 DN (tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021) và số vốn đăng ký là 7,9 ngàn tỷ đồng. Có 269 DN đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung hơn 11,8 ngàn tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 4, có 125 DN giải thể và có 175 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, 523 DN tạm ngừng kinh doanh. Đây là con số đáng phải lưu ý.
DN mới thành lập đầu năm 2022, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch thuật Unitrans Hà Đình Tiến kỳ vọng vào sự phát triển của DN trong tương lai. “Đồng Nai cũng như TP.HCM, Bình Dương và các địa phương lân cận, là môi trường tốt để cộng đồng DN phát triển. Chúng tôi sẽ nỗ lực để cung ứng các dịch vụ cho khách hàng. DN mong muốn được tạo thuận lợi hơn trong hoạt động, mở rộng lĩnh vực ở tương lai” - ông Tiến kỳ vọng.
Văn Gia