Trên địa bàn Đồng Nai có 6 công trình điện cao thế đang thi công đóng điện nhưng tất cả đều bị vướng mặt bằng. Trong số này, có 2 công trình điện 500kV cung cấp điện cho vùng dự án Sân bay Long Thành.
Trên địa bàn Đồng Nai có 6 công trình điện cao thế đang thi công đóng điện nhưng tất cả đều bị vướng mặt bằng. Trong số này, có 2 công trình điện 500kV cung cấp điện cho vùng dự án Sân bay Long Thành.
Thi công đường dây 500kV Long Thành - rẽ Phú Mỹ - Sông Mây đoạn qua H.Trảng Bom. Ảnh: SPMB |
Nếu không được giải quyết kịp thời, nguy cơ chậm tiến độ ảnh hưởng đến hiệu quả công trình và thiếu hụt nguồn điện là rất cao.
* 6 dự án vướng mặt bằng
Theo ông Trương Hữu Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam, đơn vị đang thi công đóng điện 6 công trình điện cao thế trên địa bàn tỉnh; dự kiến trong năm 2022, đơn vị sẽ khởi công thêm 6 công trình mới. Các công trình đang thi công đều bị vướng một vài vị trí móng trụ hoặc mặt bằng kéo dây. Điều này tác động đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tiến độ dự án và khả năng cung ứng điện cho các khu vực.
Trong các dự án đang thi công, có 2 công trình trọng điểm cung cấp điện cho vùng sân bay Long Thành là: đường dây 500kV Long Thành - rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; Trạm biến áp 500kV Long Thành và các đường dây đấu nối. “Các công trình này đều khởi công năm 2019. Đường dây kéo dài, qua nhiều huyện, nhiều xã, chỉ cần vướng một vài trụ là không thể hoàn thiện, đóng điện” - đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Liên quan đến công trình đường dây 500kV Long Thành - rẽ Phú Mỹ - Sông Mây, ông Đỗ Ngọc Nam, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, đoạn qua H.Trảng Bom còn vướng 2 vị trí móng trụ chưa bàn giao được mặt bằng vì chủ đất khiếu nại về giá và chính sách bồi thường. Huyện đã giao cho các đơn vị rà soát thủ tục pháp lý, cần thiết huyện ban hành quyết định cưỡng chế để bàn giao đất trong tháng 5.
Cũng tuyến đường dây 500kV Long Thành - rẽ Phú Mỹ - Sông Mây, đoạn qua địa bàn H.Long Thành, hiện 25/25 vị trí móng trụ đã được bàn giao cho chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên, quá trình thi công phát hiện có 2 vị trí móng trụ bị chồng lấn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; nhiều hộ dân nhận tiền đền bù nhưng chưa cho kéo dây thi công vì cho rằng có sự chênh lệch giá đền bù ở H.Long Thành và H.Trảng Bom.
Đối với công trình Trạm biến áp 500kV Long Thành và các đường dây đấu nối, H.Long Thành đã giải phóng mặt bằng vị trí thi công trạm biến áp nhưng đường dây đấu nối mới bàn giao được 36/56 vị trí trụ.
Tương tự, 4 dự án 220kV qua các huyện: Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa, các địa phương gặp khó khăn trong việc áp giá trình phê duyệt phương án bồi thường. Chủ đầu tư kiến nghị tỉnh thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng cho 2 dự án điện 500kV, chỉ đạo các địa phương quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dự án điện.
* Hạ tầng điện phải đi trước một bước
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) Nguyễn Hồng Quế cho rằng, thủ tục, thời gian thẩm định giá, phê duyệt giá, phê duyệt phương án bồi thường còn phức tạp và kéo dài. Khi UBND tỉnh phê duyệt giá bồi thường, trong vòng 6 tháng địa phương phải có phương án bồi thường cho người dân, tránh tình trạng cùng một dự án phê duyệt phương án bồi thường nhiều lần, nhiều đợt, nhiều mức giá dẫn đến người dân khiếu kiện.
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam, đơn vị đang thi công 6 công trình điện cao thế: đường dây 500kV Long Thành - rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; Trạm biến áp 500kV Long Thành và các đường dây đấu nối; Trạm biến áp 220kV An Phước; Trạm biến áp 220kV Tam Phước; Trạm biến áp 220kV Định Quán; đường dây 220kV Sông Mây - Tam Phước. Dự kiến trong năm 2022 khởi công thêm 6 công trình: đường dây 220kV Bảo Lộc - Sông Mây; đường dây 220kV đấu nối nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - Trạm biến áp 500kV Long Thành; Trạm biến áp 220kV Long Khánh; Trạm biếp áp 220kV Khu công nghiệp Nhơn Trạch và đường dây đấu nối; đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè; đường dây 220kV - Trạm biến áp 500kV Long Thành - Khu công nghệ cao sinh học. |
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ mặt bằng dự án điện có phần lỗi của nhà đầu tư. Để phê duyệt phương án bồi thường một trường hợp, địa phương phải kiểm tra, xác minh nhiều lần, thế nhưng chủ đầu tư để 6 tháng sau mới chuyển tiền bồi thường. Khi đó, mức giá bồi thường đã khác, rồi lãi suất phát sinh, ai sẽ chịu trách nhiệm.
Ông Trần Minh Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng Sở Công thương, cho biết liên quan đến các vị trí móng trụ bị chồng lấn phạm vi đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng thi công, các sở, ngành và H.Long Thành sẽ kiểm tra hiện trạng và đề xuất vị trí di dời.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, hạ tầng điện phải đi trước một bước để phục vụ cho các hạ tầng khác. Tuy nhiên, quy hoạch vị trí móng trụ, hướng tuyến phải đồng bộ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển năng lượng của tỉnh. Khi triển khai xây dựng, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.
“Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý dự án điện miền Nam với các địa phương trong giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, chủ đầu tư chậm chuyển tiền chi trả bồi thường cho người dân, vấn đề này phải rút kinh nghiệm” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Đối với 6 dự án sắp triển khai, Sở TN-MT phối hợp UBND các huyện, thành phố có đường dây đi qua hỗ trợ chủ đầu tư thủ tục đăng ký kế hoạch sử đụng đất bổ sung để kịp trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 làm cơ sở giải phóng mặt bằng, khởi công dự án; kiểm tra và có biện pháp ngăn người dân xây nhà, công trình kiến trúc dưới hành lang lưới điện.
Hoàng Lộc