Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam thì cơ hội cung ứng hàng hóa, hợp tác cho các DN Việt sẽ rộng mở hơn. Việc hợp tác với khối DN FDI vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nội, vừa tích lũy được kinh nghiệm, công nghệ để phát triển bền vững.
[links()]Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam thì cơ hội cung ứng hàng hóa, hợp tác cho các DN Việt sẽ rộng mở hơn. Việc hợp tác với khối DN FDI vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nội, vừa tích lũy được kinh nghiệm, công nghệ để phát triển bền vững.
Công ty CP Thông Quan hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: V.Thế |
Tại Đồng Nai, đã có những DN tận dụng được các mối quan hệ, hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng tầm thương hiệu. Vượt qua các khó khăn của dịch bệnh và ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, sự hợp tác, nâng cao năng lực sản xuất đã giúp cho DN thêm vững tin vào tương lai.
* Đẩy mạnh hợp tác DN trong và ngoài nước
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) là đơn vị đi tiên phong trong sản xuất, chế biến sản phẩm ca cao và hợp tác với nông dân trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là DN có sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt 5 sao tiêu biểu và duy nhất của Đồng Nai cho đến nay.
Một trong những bước đi táo bạo của DN, theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc công ty, là đã hợp tác được với Công ty TNHH Thương mại sản xuất Ca cao Ken Việt Nam, DN xuất xứ từ Nhật Bản có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo truyền thống tại Nhật Bản. Trọng Đức có vùng nguyên liệu rộng lớn, việc hợp tác nâng chất lượng, hiệu quả các sản phẩm mà công ty cung ứng ra thị trường đồng thời bổ sung các sản phẩm mới, từ đó đầu tư vào nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu, mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng DN Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG, Đồng Nai đang đứng thứ 20/63 địa phương trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số (DTI). Điều này cho thấy mức độ chuyển đổi số của tỉnh vẫn chưa cao. Với việc phấn đấu vào tốp 10 trong chuyển đổi số của cả nước và xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có một nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn. Ngày 11-5 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Đồng Nai 2022. Theo đó, phấn đấu 30% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, 100% số DN sử dụng hóa đơn điện tử, tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%, doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 7% trong tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh. |
Trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, cuối tháng 3-2022, Công ty CP Kết cấu thép GSB (H.Vĩnh Cửu) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH NS BlueScope Lysaght Việt Nam, thành viên tập đoàn thép hàng đầu của Úc BlueScope Steel Limited. 2 DN này đã có nhiều thời gian cộng tác với nhau trong xây dựng các công trình nhà xưởng công nghiệp. Để việc hợp tác được diễn ra với quy mô lớn hơn và mang lại sự lựa chọn mới cho khách hàng, chủ đầu tư về các công trình theo xu hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, hai bên đã quyết định trở thành đối tác chiến lược của nhau.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT GSB hy vọng sự kết hợp giữa các bên sẽ mang lại những lựa chọn ưu việt cho khách hàng của công ty trên khắp Việt Nam.
Ở lĩnh vực vận tải hàng hóa, logistics, cuối năm 2021, Công ty CP Thông Quan đã ký kết với Tập đoàn Hùng Nhơn. Hùng Nhơn là một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi với các trang trại chăn nuôi heo, gà tại nhiều tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây nguyên, cũng như các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, thương mại khác. Trong khi đó, Thông Quan là một trong những DN logistics tiêu biểu, chuyên nghiệp của Đồng Nai, ngoài trụ sở chính tại TP.Biên Hòa, Thông Quan còn có các chi nhánh tại H.Nhơn Trạch và H.Long Thành, cũng như 2 công ty thành viên hoạt động độc lập về lĩnh vực vận tải.
Theo Giám đốc Công ty CP Thông Quan Đặng Văn Điềm, hai bên hướng tới hợp tác nhằm đầu tư phát triển áp dụng công nghệ thông tin 4.0 trong hoạt động logistics; dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan; dịch vụ vận chuyển đa phương thức, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng; dịch vụ thương mại mua bán, xuất, nhập khẩu hàng nông sản, kết nối nhà cung cấp và phân phối trong nước và quốc tế; dịch vụ thuê kho bãi…
* Xây dựng thương hiệu mạnh
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) từng có thời gian dài làm việc tại Nhật Bản nên rất ước ao có được một DN sản xuất theo quy chuẩn cao của nước bạn. Trở về nước, ông thành lập công ty với câu khẩu hiệu lớn giăng trong nhà máy của DN này là “Kỹ thuật Nhật - bàn tay Việt”.
Theo ông Quý, thị trường cho ngành hàng cơ khí chế tạo, thiết bị công nghiệp phụ trợ là rất lớn nên dư địa phát triển của ngành còn nhiều. Hợp tác với các đối tác nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nhằm hướng tới trở thành đơn vị có quy mô khép kín từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Sản phẩm của DN hướng tới mang giá trị cao nên chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm của DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ 40%, Nhật Bản 30%, Úc 20% và thị trường trong nước 10%...
“Chúng tôi vừa đầu tư thêm nhà máy mới để ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gia tăng sản lượng và chất lượng hàng hóa của mình phục vụ nhu cầu từ các đối tác” - ông Quý cho biết.
Sản xuất tại Công ty CP Kết cấu thép GSB (H.Vĩnh Cửu), doanh nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với đối tác đến từ Úc |
Tại Đồng Nai, khi nói đến DN chuyên cung ứng nguyên liệu gỗ cho sản xuất và xuất khẩu phải nói đến Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico). Bền bỉ trong nhiều năm, ông Võ Quang Hà, Giám đốc công ty đã đưa DN này trở thành một trong những đơn vị cung cấp nguyên liệu gỗ lớn nhất Việt Nam. Từ hội chợ đồ gỗ đến trung tâm phân phối gỗ tròn rộng gần 40ha, Tavico đang phấn đấu mục tiêu gắn kết ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, đây còn là một khu liên hoàn với các dịch vụ: xẻ, sấy gỗ, logistics, sản xuất, văn phòng đại diện, siêu thị gỗ xẻ, sản xuất nhà gỗ…, nhằm giúp cho nhà cung cấp và khách hàng trực tiếp gặp nhau, giảm tối đa các chi phí trung gian.
Việc đầu tư lớn vào đây, với Tavico không phải là cuộc chơi mà là chiến lược dài hơi để xây dựng sức cạnh tranh và thương hiệu DN. Không chỉ vậy, Tavico đang phối hợp với các DN trong Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai liên kết, hợp tác với chủ rừng, người trồng rừng để xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, thực hiện mục tiêu “kéo thế giới gỗ về Đồng Nai, xây dựng khu công nghiệp chuyên cho ngành gỗ…
Theo đại diện các DN nội trên địa bàn Đồng Nai, cơ hội bán hàng cho DN FDI và xuất khẩu ngày càng rộng mở. Để có thể phát triển mạnh mẽ hơn và nâng cao thương hiệu của mình, các DN đang tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị tốt và đội ngũ nhân lực tại chỗ có tay nghề cao.
“Sản phẩm có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, nhưng so với sự cạnh tranh trên thị trường và so với hàng ngoại nhập thì tiềm lực DN trong nước vẫn còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn, nhất là về công nghệ, thông tin, sự kết nối bạn hàng, DN mong muốn được kết nối và rất cần thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan” - ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát bày tỏ mong muốn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận định, thời gian qua, Đồng Nai cũng như cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang hồi phục nhanh. Sự hợp tác giữa các DN để mở rộng sản xuất, kinh doanh chứng tỏ môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Đồng Nai sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác lẫn nhau, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương cũng như cả nước.
Vương Thế - Hoàng Lộc - Vi Lâm