Việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Phước đi qua giữa vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ gây ra những tác động tiêu cực, gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, làm mất tính liên tục, liên kết hành lang đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật.
Việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Phước đi qua giữa vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ gây ra những tác động tiêu cực, gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, làm mất tính liên tục, liên kết hành lang đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật.
Việc xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Q.NHI |
Do đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét thống nhất chủ trương không hình thành tuyến giao thông đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
* Tính toán lựa chọn phương án tối ưu, khả thi, hiệu quả
Liên quan đến việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Phước, Ban TVTU Đồng Nai đã có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Theo văn bản này, Ban TVTU Đồng Nai cho rằng, trong trường hợp xây dựng cầu Mã Đà và hình thành tuyến đường đi qua rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, các loài động vật quý hiếm, hệ sinh thái tự nhiên, phá vỡ cảnh quan cũng như không phù hợp với chủ trương xuyên suốt về bảo vệ rừng của tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, về các quy định pháp lý liên quan đến rừng, hiện nay, các luật và văn bản dưới luật đều không cho phép tác động vào các khu rừng đặc dụng (trừ các trường hợp đặc biệt).
Theo Viện Chiến lược và phát triển GT-VT, qua so sánh sơ bộ, các phương án tuyến theo phương án 2; 3.1 và 3.2 có tính chất khả thi. Đây là những phương án bảo đảm cả về mặt kết nối và bảo vệ môi trường. Riêng phương án 4 là phương án lựa chọn cuối cùng và chỉ nên thực hiện khi không có phương án nào khả thi hơn thay thế. |
Cũng theo văn bản này, hiện nay, Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Đông Nam bộ với hơn 172 ngàn ha. Đây là “lá phổi xanh”, điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn nước cho khu vực và làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việc bảo vệ được diện tích rừng này cũng là cơ sở để khu vực Đông Nam bộ phát triển nền kinh tế bền vững, theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, khi làm tuyến đường đi qua Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ làm mất cân bằng căn bản của hệ sinh thái, tác động rất mạnh đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế của khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Ngoài ra, khu vực dự kiến xây dựng tuyến đường là nơi có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia nên việc xây dựng cũng sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.
Từ những căn cứ nói trên, Ban TVTU Đồng Nai kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét thống nhất chủ trương không hình thành tuyến đường giao thông đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận. Làm cơ sở đảm bảo vững chắc cho khu vực miền Đông Nam bộ phát triển nền kinh tế bền vững theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị giao bộ chuyên ngành cùng với UBND các tỉnh trong khu vực và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng để thống nhất lựa chọn phương án tối ưu, khả thi, hiệu quả, nhất là xem xét điều chỉnh hướng tuyến, đảm bảo kết nối lưu thông giữa các địa phương.
* 4 phương án làm đường kết nối Đồng Nai - Bình Phước
Ngày 22-4, Bộ GT-VT đã có cuộc họp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường tỉnh 753 thành quốc lộ 13C và xây dựng cầu Mã Đà kết nối 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Theo Viện Chiến lược và phát triển GT-VT (đơn vị nghiên cứu), hiện tại để kết nối từ TP.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đến khu vực Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thông qua tuyến đường tỉnh 741, 742, 746 hoặc thông qua quốc lộ 13; 14.
Về hướng tuyến đường kết nối Bình Phước với Đồng Nai, đến nay, UBND tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng đường tỉnh 753 từ TP.Đồng Xoài đến Mã Đà (ranh 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai) dài 30km và kết nối với tỉnh Đồng Nai qua bến đò ngang sông Mã Đà (xã Tân Hòa, H.Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Tuy nhiên, năm 2017, tỉnh Bình Phước đã đình chỉ hoạt động của các phương tiện, thiết bị vận chuyển hành khách và hàng hóa tại bến đò.
Để kết nối Đồng Nai với Bình Phước trên cơ sở nâng cấp tuyến đường tỉnh 753 thành quốc lộ 13C cần xây dựng cầu Mã Đà và mở rộng đường Bà Hào - sân bay Rang Rang, kết nối quốc lộ 1. Tuy nhiên, hướng tuyến này đi qua Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai bao gồm 3 vùng lõi là: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu Bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An. Như vậy, cần có đánh giá, lựa chọn hướng tuyến cụ thể, đảm bảo các yêu cầu quy hoạch, đặc biệt là về môi trường và bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, di sản văn hóa. Do đó, đơn vị tư vấn đã đưa ra các phương án xây dựng tuyến đường kết nối Đồng Nai với Bình Phước.
Cụ thể, phương án 1, tuyến qua cầu Mã Đà và đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đây là phương án thuận tiện kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên về sân bay Long Thành. Tuy nhiên, phương án này có 31km đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, ảnh hưởng đến môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa; các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Nếu xây dựng theo phương án này, UNESCO không đồng thuận, khu bảo tồn có thể bị thu hồi chứng nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Phương án 2, tuyến qua vùng đệm vào đường vành đai 4 - TP.HCM sẽ kết nối từ tỉnh Bình Phước đến quốc lộ 1A. Về lâu dài, theo phương án này thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4 - TP.HCM. Đồng thời, tận dụng được 30km đường tỉnh 753 đã được tỉnh Bình Phước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tuyến này chỉ đi qua Bình Dương, không kết nối trực tiếp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước.
Phương án 3, đầu tư tuyến qua vùng đệm, kết nối vào quốc lộ 1. Theo phương án này, ngoài 30km đường tỉnh 753 đã được đầu tư xây dựng thì sẽ phải đầu tư xây dựng mới thêm 22km để kết nối với đường tỉnh 768 và đến đường tỉnh 767 (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai). Đến đây, phương án này được chia làm 2 phương án nhỏ gồm: phương án 3.1 kết nối với quốc lộ 1 qua đường tỉnh 767 và phương án 3.2 tuyến đi theo quốc lộ 56B kết nối với quốc lộ 20.
Tuy nhiên, với phương án 3.1, đoạn từ đường tỉnh 767 kết nối với quốc lộ 1 hiện nay hai bên đường dân cư đông, hoạt động như đường đô thị nên khó mở rộng hoặc kinh phí mở rộng lớn.
Với phương án 3.2, về mặt kết nối, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, tận dụng được 30km đường tỉnh 753 đã đầu tư; đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường thấp hơn, có thể đáp ứng được các yêu cầu về môi trường.
Phương án 4, tuyến qua vùng lõi phục vụ du lịch, tuyến qua vùng đệm phục vụ vận tải. Theo phương án này, sẽ đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đường Bà Hào - sân bay Rang Rang sau đó kết nối với đường ven hồ Trị An (đoạn dài 17km) phục vụ tham quan, du lịch. Đối với vận tải hàng hóa và hành khách từ TP.Đồng Xoài đi theo đường tỉnh 753 và đi theo phương án qua vùng đệm (phương án 2 và 3) kết nối hệ thống giao thông đến sân bay Long Thành và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quỳnh Nhi