Theo Sở NN-PTNT, tổng sản lượng thủy sản trong quý I-2022 đạt gần 19,9 ngàn tấn, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Sở NN-PTNT, tổng sản lượng thủy sản trong quý I-2022 đạt gần 19,9 ngàn tấn, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bè cá của ông Tống Văn Sỹ, tại làng bè P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa nuôi cá cảnh cho lợi nhuận cao. Ảnh: B.Nguyên |
Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá nhiều loại cá, tôm tăng cao, người nuôi thủy sản có lợi nhuận nên yên tâm đầu tư.
* Giá cá, tôm tăng trở lại
Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng tốt do thời gian qua, các loại cá nước ngọt và thủy sản khác có mức giá tốt, giúp người nuôi thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn để mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Ông Bùi Thanh Vũ, chủ bè cá nuôi cá trên sông La Ngà (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho biết, cá chép hiện có giá 43 ngàn đồng/kg, cá diêu hồng 37-38 ngàn đồng/kg, cá lăng 78 ngàn đồng/kg, tăng cả chục ngàn đồng/kg so với cùng kỳ.
Nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao đang được H.Nhơn Trạch, H.Long Thành tập trung đẩy mạnh. Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch cho hay, toàn huyện hiện có 156ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với 66 hộ nuôi. Công nghệ cao được ứng dụng như: sử dụng hệ thống máy cho ăn tự động, che lưới làm mát ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao và các kỹ thuật để xử lý chất thải, kiểm soát được môi trường nước nuôi… |
“Với mức giá này, người nuôi cá có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, lo lắng hiện nay của người nuôi là nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi thủy sản vừa thông báo giá thức ăn thủy sản sẽ có đợt tăng mới, có loại tăng thêm 500 đồng/kg. Giá cám tăng liên tục đội chi phí đầu vào tăng cao khiến người nuôi lo lắng” - ông Vũ nói.
Sau thời gian nuôi cá thịt đầu ra bấp bênh, ông Tống Văn Sỹ, người dân nuôi cá bè tại làng cá bè P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) chuyển sang nuôi các loại cá cảnh. Nhờ nguồn cung ít hơn cầu nên đầu ra của các mặt hàng này luôn ổn định ở mức có lợi nhuận tốt. Theo ông Sỹ: “Trước đây, tôi đầu tư nuôi các loại cá đặc sản như: cá hô, cá quế, cá trắm đen…, nhưng lợi nhuận không như kỳ vọng vì cá đặc sản kén khách, thời gian nuôi kéo dài nên tập trung phát triển dòng cá kiểng. Do bè đầu tư tự sản xuất con giống, cá nuôi đạt chất lượng tốt nên đến nay không thiếu bạn hàng gắn bó”.
Thời gian qua, nhờ xuất khẩu tốt, các mặt hàng tôm nuôi cũng ổn định ở mức giá tốt. Hiện giá tôm thẻ người nuôi bán tại ao dao động từ 140-230 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ; tôm sú có giá từ 150-240 ngàn đồng/kg, mức giá người nuôi đạt lợi nhuận tốt.
* Hướng đến nuôi bền vững
Thu nhập từ nuôi thủy sản đạt cao hơn so với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều địa phương của Đồng Nai quan tâm đầu tư phát triển mô hình này, hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình nuôi thủy sản an toàn, tham gia chuỗi liên kết để phát triển bền vững.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha/vụ. Người nuôi đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/vụ với ao chìm và 1,5 tỷ đồng/ha/vụ với nuôi bồn tròn nổi; lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống. |
Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) Phan Trung Hiếu chia sẻ, so với nhiều mô hình trồng trọt, nuôi thủy sản cho lợi nhuận tốt hơn. Xã có lợi thế là đã hình thành được vùng chuyên canh nuôi cá nước ngọt ở ấp Bưng Cần với diện tích hàng chục ha. Trong đó, có hơn 30ha đã thực hiện quy trình nuôi VietGAP. Vùng chuyên canh này có thế mạnh phát triển con cá rô đồng, đã có tổ hợp tác nuôi thủy sản để liên kết nông dân sản xuất theo chuỗi. Hiện cá rô đang có mức giá tốt nên người nuôi yên tâm sản xuất.
Trong khi đó, con tôm có giá trị kinh tế cao đang được nhiều địa phương tập trung phát triển. Hiện toàn tỉnh có 68ha nuôi tôm càng xanh với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 130 tấn/vụ/năm, chủ yếu tập trung ở H.Tân Phú. Đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận bình quân đạt từ 200-250 triệu đồng/ha/vụ. H.Tân Phú đã hình thành được vùng nuôi tôm càng xanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 27ha. Tuy nhiên, nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh vẫn theo hình thức nông hộ, quy mô nhỏ lẻ.
Để phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 14523/KH-UBND về phát triển sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh đạt 100ha; giá trị sản xuất đạt 25,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10%/năm. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 200ha, giá trị sản xuất đạt 42 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt trên 15,25%/năm. Trong đó, hình thành các vùng nuôi tôm càng xanh tập trung theo hướng hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.
Bình Nguyên