UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh Đồng Nai năm 2022, đồng thời Sở Công thương đã tổ chức hội nghị về triển khai chương trình XTTM, kết nối giao thương của tỉnh trong thời gian tới.
UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh Đồng Nai năm 2022, đồng thời Sở Công thương đã tổ chức hội nghị về triển khai chương trình XTTM, kết nối giao thương của tỉnh trong thời gian tới.
Gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm địa phương của Đồng Nai tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vào cuối năm 2021. Ảnh: L.Phương |
Điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động XTTM, kết nối giao thương của tỉnh sau thời gian bị gián đoạn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, các hình thức về XTTM trên nền tảng số sẽ được đẩy mạnh…
* Nhiều hoạt đang kết nối
Theo Chương trình XTTM Đồng Nai năm 2022, đối tượng được hỗ trợ là những doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân, trang trại tham gia vào chương trình XTTM của tỉnh có nhu cầu phát triển mặt hàng theo định hướng và thị trường mục tiêu.
Về nội dung chương trình, dự kiến sẽ triển khai các hoạt động như: hội chợ, triển lãm trong tỉnh; hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh; hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương trong nước và nước ngoài; hoạt động XTTM nông dân - nông nghiệp - nông thôn; hoạt động XTTM hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình đào tạo, tập huấn…
Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC chia sẻ, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động các hình thức hỗ trợ, kết nối cho DN địa phương; trong đó sẽ triển khai các hoạt động XTTM phát triển thị trường xuất khẩu, chú trọng các thị trường truyền thống, trọng điểm, tổ chức các hoạt động cập nhật thông tin thị trường, kết nối mở rộng thị trường mới trong bối cảnh hội nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA); các chương trình gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình Hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ phục vụ công nhân, người lao động trong khu công nghiệp; kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh… Đặc biệt, đối với đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030, Sở Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai đề án nói trên theo từng năm. Trong đó có XTTM thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu… |
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm XTTM Đồng Nai (Sở Công thương), đơn vị sẽ bám sát nội dung các hoạt động trong Chương trình XTTM Đồng Nai năm 2022 để triển khai các hoạt động kết nối giao thương phù hợp, linh động trong tình hình mới.
Về hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, bên cạnh Hội chợ mua sắm và ẩm thực Thái Lan vừa được tổ chức trong tháng 3-2022, trung tâm dự kiến phối hợp tổ chức thêm các hội chợ trong tỉnh gồm: Hội chợ Công nghiệp - thương mại Đồng Nai năm 2022, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2022, Hội chợ mua sắm cuối năm 2022…
Ngoài ra, đơn vị còn kết nối cho các DN trong tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh như: hội chợ tại một số tỉnh, thành phía Nam; triển lãm quốc tế Vietbuild ở TP.HCM; Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam tại Hà Nội; Hội chợ OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) Quảng Ninh… và tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, hội thảo, hội nghị kết nối cung - cầu giữa Đồng Nai với các nhà cung cấp các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung, khu vực phía Nam và các hệ thống phân phối, bán lẻ ở Đồng Nai…
Bà Cẩm Vân, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VFarm (TP.Biên Hòa) chia sẻ, công ty chuyên sản xuất các loại nhang sạch từ cây lá thảo mộc tự nhiên. Công ty mong muốn hỗ trợ sản phẩm nhang sạch như một ngành nghề truyền thống và kết nối tham gia các chương trình XTTM một cách phù hợp để quảng bá, phát triển thương hiệu trong và ngoài tỉnh…
* Hỗ trợ đưa hàng hóa địa phương vào siêu thị hiệu quả hơn
Nhiều DN địa phương, HTX trong tỉnh bày tỏ ý kiến, về góc độ kết nối sản phẩm OCOP vào siêu thị trong tỉnh, do siêu thị có nhiều mã sản phẩm từ trước, có thương hiệu nên các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP vẫn chưa dễ để vào các siêu thị. Hơn thế nữa, để vào được siêu thị phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, tốn chi phí, chiết khấu cho siêu thị còn cao nên việc đưa sản phẩm mới của các DN, HTX ở địa phương vào siêu thị cần có những phương án hỗ trợ phù hợp, linh hoạt hơn…
Bà Đặng Thị Thúy Nga, đại diện HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) cho hay, HTX mong muốn được kết nối dài hạn với các hệ thống siêu thị để có thể chủ động đảm bảo nguồn hàng cung ứng, cũng như xây dựng phương án sản xuất, phân phối phù hợp, từng bước phát triển thương hiệu cho nhiều loại trái cây đặc sản của địa phương…
Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ thêm, trong năm 2022, Trung tâm XTTM Đồng Nai sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, hội… để nắm bắt các nhu cầu cần hỗ trợ về thị trường, về mặt hàng, cũng như các hình thức hỗ trợ DN một cách tốt nhất. Đồng thời, đơn vị chủ động làm việc với các DN nhỏ và vừa; chú trọng các DN đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trong lĩnh vực quảng bá, mở rộng thị trường…
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở sẽ tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong tỉnh. Trong đó, khuyến khích các siêu thị tạo điều kiện đưa các gian hàng hỗ trợ này ra vị trí thuận lợi, dễ nhìn và có phương án đưa hàng hóa, kết nối sản phẩm địa phương vào gian hàng để trưng bày, quảng bá một cách linh động, phù hợp…
Lam Phương