Câu chuyện nông dân sản xuất chạy theo phong trào rồi rơi vào cảnh đầu ra bị ùn ứ, luẩn quẩn với việc chặt - trồng, trồng - chặt đã tồn tại khá lâu trong sản xuất nông nghiệp nước ta.
Câu chuyện nông dân sản xuất chạy theo phong trào rồi rơi vào cảnh đầu ra bị ùn ứ, luẩn quẩn với việc chặt - trồng, trồng - chặt đã tồn tại khá lâu trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Nhiều địa phương của Đồng Nai từng xảy ra các phong trào nông dân đua nhau trồng hồ tiêu rồi vài năm sau, hàng ngàn ha hồ tiêu bị chặt bỏ khi giá tiêu đang từ mức siêu lợi nhuận giảm sâu dưới giá thành sản xuất. Câu chuyện này cũng đã xảy ra với cây cà phê, cao su và gần đây là với nhiều loại cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, thanh long…
Phong trào đua nhau trồng rồi lại chặt bỏ chỉ rộ lên trong một thời gian ngắn nhưng để lại hệ lụy lâu dài với người nông dân nói riêng, cho thị trường nông sản cũng như sự thiếu bền vững trong phát triển nông nghiệp nói chung.
Luẩn quẩn, mải miết chạy theo phong trào tự phát đã trở thành câu chuyện cũ nhưng vẫn chưa hết tính thời sự đang đặt ra cho ngành Nông nghiệp những bài toán khó cần sớm có lời giải, nhất là trong giai đoạn thị trường nông sản liên tục xảy ra cảnh ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế khiến người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời. Không những vậy, phần nhiều nông dân cũng không được các cơ quan chức năng hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo trong quá trình sản xuất. Theo đó, thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất thì nông dân thấy một loại nông sản nào đó bán được giá cao thì đổ xô cùng làm khiến nguồn cung lớn hơn cầu. Họ trồng và hoàn toàn thụ động chờ thương lái thu mua nên dễ rơi vào cảnh bị ép giá, buộc phải bán đổ bán tháo, thậm chí phải đổ bỏ.
Tìm lời giải để nông sản không còn “đến hẹn lại tắc”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Tôi phát hiện, mọi cái bẫy đối với chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp (DN) tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bản thân các DN xuất khẩu nông sản phải năng động tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định cụ thể đối với từng loại thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. DN dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi họ mua như thế nào thì người nông dân sản xuất như thế đó. DN thấy thị trường Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính thì phải dẫn dắt người nông dân thay đổi về sản xuất. Ở đây có câu chuyện DN xuất khẩu nông sản đang “dễ dãi với chính mình”. Vì DN có thể chấp nhận ùn ứ một chuyến hàng này ở cửa khẩu, nhưng đến chuyến sau lại có lời và lấy lại được, dù điều này cũng khó khăn chứ không dễ dàng gì. Nhưng đối với bà con nông dân, không bán được hàng là gần như mất trắng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vai trò của hiệp hội ngành hàng là vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì. Đây là vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Các hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên để dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn: “Các hiệp hội, ngành hàng cần giúp cho Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường nông sản. Đây là giải pháp căn cơ và chúng ta phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản”.
Lê Quyên