Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi mỏ đá thành 'mỏ đắng'

03:04, 27/04/2022

Đồng Nai có hơn 40 dự án khai thác khoáng sản (KTKS) được UBND tỉnh và Bộ TN-MT cấp phép còn hiệu lực. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, bức xúc của người dân.

Đồng Nai có hơn 40 dự án khai thác khoáng sản (KTKS) được UBND tỉnh và Bộ TN-MT cấp phép còn hiệu lực. Những năm qua, ngành công nghiệp KTKS trên địa bàn tỉnh khá sôi động, là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng chính cho Đồng Nai và các tỉnh, thành miền Nam. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, bức xúc của người dân.

Một dự án khai thác đá xây dựng trong Cụm mỏ Phước Tân
Một dự án khai thác đá xây dựng trong Cụm mỏ Phước Tân. Ảnh: H.GIANG

Bài 1: Hết hạn, lại xin… gia hạn

Từ sau khi Thường trực Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 20-12-2006 về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh, hoạt động KTKS của các mỏ ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, vì thời gian khai thác kéo dài đến vài chục năm, hoạt động sang nhượng và xin gia hạn giấy phép nhiều lần khiến công tác quản lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Điều người dân mong chờ là những dự án này sớm kết thúc, môi trường sống được trở lại như cũ, nhưng khó thực hiện.

* Điệp khúc “trữ lượng vẫn còn”

Đi thực tế tại các mỏ KTKS đã đóng cửa mới thấy, những hồ nước vừa sâu, vừa rộng, những vách đá cao thẳng đứng lạnh lẽo thời kỳ “hậu” khai thác và cả những vụ tai nạn thương tâm do đuối nước, do xe chở đá đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân. Tuy nhiên, việc giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường trong KTKS; cải tạo và phục hồi môi trường hậu khai thác để phục vụ người dân đang là “bài toán khó” với các địa phương, cơ quan quản lý.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có 44 giấy phép KTKS còn hiệu lực. Trong đó, Bộ TN-MT cấp 4 giấy phép gồm: 1 giấy phép khai thác đá xây dựng và puzolan, 2 giấy phép khai thác đá ốp lát, 1 giấy phép khai thác nước khoáng. UBND tỉnh cấp 40 giấy phép gồm: 32 giấy phép khai thác, 6 giấy phép khai thác cát xây dựng, 2 giấy phép khai thác vật liệu san lấp. Thời điểm hiện tại có 38 mỏ đang hoạt động, 5 tạm ngưng hoạt động và 1 mỏ chưa khai thác.

Mỏ đá Tân Cang 8 nằm trong cụm mỏ đá Phước Tân được UBND tỉnh cấp phép đầu tư năm 2011. Mỏ có diện tích khai thác 27ha, thời gian khai thác là 10 năm, công suất khai thác thiết kế 1 triệu m3/năm. Thời điểm cấp phép, dự án không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản nên chủ đầu tư khá thuận lợi trong việc triển khai dự án. Theo giấy phép, năm 2021, chủ đầu tư phải dừng khai thác, tiến hành phục hồi môi trường. Tuy nhiên, khi chưa hết thời hạn, chủ đầu tư có báo cáo xin mở rộng quy mô, tăng độ sâu từ 60m lên 80m; đồng thời, gia hạn khai thác thêm 2 năm với lý do trữ lượng vẫn còn nhiều.

Mỏ đá Tân Cang 5 cũng trong tình trạng tương tự. Chủ đầu tư xin gia hạn giấy phép, xin tăng độ sâu, nhưng còn vướng quyết định chủ trương đầu tư, khó khăn trong thuê đất nên chưa được cho phép.

Một dự án khác là mỏ đá Đồi Chùa 1 (H.Vĩnh Cửu) được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, quyền khai thác khoáng sản lần đầu cho Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC) năm 2011. Vì nhiều lý do trong quá trình thăm dò và khai thác, năm 2016, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án lại cho Công ty CP Đầu tư xây dựng TMDV xuất nhập khẩu Trường Trường Phát JP. Từ đó đến nay, công ty này thực hiện KTKS nhưng không làm các thủ tục liên quan đến môi trường, giấy phép. Mãi đến cuối năm 2020, chủ đầu tư mới làm thủ tục xin cấp phép, xin gia hạn thời gian khai thác vì từ khi cấp phép đến năm 2015 chưa khai thác được khoáng sản.

Ông Huỳnh Văn Thiệt, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Các mỏ KTKS trong quá trình vận chuyển thường phát sinh bụi gây ô nhiễm môi trường nên xã có đề xuất huyện tiếp tục triển khai đề án hút bụi và rửa đường trên một số tuyến đường có nhiều xe chở đá đi qua. Với các mỏ đang khai thác, người dân chỉ mong các chủ mỏ đảm bảo các yêu cầu về môi trường và khi hết hạn tỉnh cho đóng cửa mỏ”.

Mới đây nhất là dự án mỏ đá Soklu 4 (H.Thống Nhất). Theo giấy phép, mỏ đá này hết hiệu lực khai thác nhưng chủ đầu tư không bắt tay cải tạo, phục hồi môi trường ngay mà muốn tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến các bên liên quan về nội dung gia hạn thì dự án này vướng giấy phép ban đầu, chưa đủ cơ sở gia hạn. Do đó, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định tạm dừng hoạt động khai thác mỏ đá này.

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu Sở TN-MT cho rằng, thời gian qua, có một số mỏ chuyển nhượng dự án, xin mở rộng quy mô, xin gia hạn. Luật Khoáng sản quy định, giấy phép KTKS có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì “tuổi thọ” của một mỏ có thể kéo dài tối đa là 50 năm.

* Gia tăng nhiều hệ lụy

Khu vực P.Phước Tân và P.Tam Phước hiện có 10 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích cấp giấy phép gần 400ha, tổng trữ lượng lên đến hơn 140 triệu m3. Hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản những năm qua tác động nhiều đến môi trường đất, nước, không khí và việc đi lại của người dân. Việc tiếp tục gia hạn, mở rộng phạm vi khai thác nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả đi kèm, mức độ ảnh hưởng sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn hiệu lực.  Nguồn: Sở TN-MT (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn hiệu lực. Nguồn: Sở TN-MT (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)

Anh Nguyễn Hoàng Sơn (ngụ KP.Đồng, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trước đây, suông Buông chảy qua địa bàn có nhiều cá và các thủy sản sinh sống, người dân thả rau muống xuống để hái ngọn ăn. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, sông Buông chỉ còn có 2 màu trắng gạo của bột đá và vàng sánh của bùn đất, ít người dám đến gần sông Buông. “Chúng tôi ở đây chịu rất nhiều áp lực. Đó là bụi đá, tiếng ồn do nổ mìn, xe tải ben nối đuôi nhau chạy. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng không cải thiện được. Bây giờ chỉ mong các dự án này sớm kết thúc” - anh Sơn chia sẻ.

Qua tìm hiểu thêm, tại P.Phước Tân, tác động rõ nhất của hoạt động KTSK với đời sống của người dân là các giếng khoan bị hết nước, lúc trước khoan hơn 10m có nước nhưng giờ phải khoan vài chục đến 100m; đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại vị trí đường chuyên dùng mỏ đá nối với quốc lộ 51. Một số gia đình phải đóng cửa đi nơi khác sinh sống vì bán nhà không ai mua.

Mỏ đá Hóa An (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) dù được công nhận đã hoàn thành thủ tục cải tạo, phục hồi môi trường nhưng nơi đây vẫn ám ảnh với người dân. Anh Lê Văn Mão (ngụ KP.Bình Hóa, P.Hóa An) cho hay, mỏ đá Hóa An trên địa bàn phường đã đóng cửa nhiều năm nhưng xung quanh vẫn đường đất, nhiều “ổ trâu”, “ổ gà” rất nguy hiểm. Quanh mỏ đá được quây lưới thép gai, trồng cây xanh nhưng rất thưa thớt, có người chạy xe máy xuống tận mé hồ lượm ve chai, người chở cả bao tải rác đến bỏ. Mỏ đá vẫn là hố sâu thăm thẳm, người dân trông chờ Nhà nước có phương án cải tạo để khu vực này bớt nguy hiểm.

Theo Sở TN-MT, hiện các mỏ đá trên địa bàn tỉnh chủ yếu áp dụng các công nghệ truyền thống là khai thác hở. Trong quá trình hoạt động, các mỏ đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý chất thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Chẳng hạn, phun nước tạo ẩm trước khi nổ mìn, khi nghiền đá, tưới nước mặt đường vận chuyển đá để giảm bụi; rào chắn, trồng cây xanh, lắp đặt biển báo nguy hiểm xung quanh mỏ; làm đường chuyên dùng... Tuy nhiên, hoạt động khai thác đá xây dựng còn ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vẫn còn các vi phạm như: khai thác vượt độ sâu, khai thác ngoài khu vực được cấp phép, thực hiện chưa đầy đủ nội dung cải tạo phục hồi môi trường và chưa lập đề án đóng cửa mỏ theo đúng quy định.

Theo Trung tâm Con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), KTKS để lại những hệ lụy rất lớn như: mất đất; ô nhiễm bụi, nguồn nước mặt và nước ngầm; đa dạng sinh học bị phá vỡ; đường giao thông xuống cấp và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân ở khu vực gần mỏ. Do đó, khai thác và sử dụng khoáng sản đòi hỏi phải quan tâm tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường. Quy hoạch khoáng sản cần điều tra, tính toán chi tiết để “hậu” khai thác có thể triển khai tiếp các dự án trên khu vực mỏ.

Hoàng Lộc - Hương Giang - Vi Lâm

Bài 2: Làm gì khi khai thác đá xong?

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích