Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN) cũng trở nên cấp thiết, nhằm đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh để thích ứng với bối cảnh mới,...
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN) cũng trở nên cấp thiết hơn nhằm đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh để thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Người tiêu dùng tham khảo đặt mua các sản phẩm địa phương trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: H.Quân |
Trong đó, việc đầu tiên cần phải làm cho quá trình chuyển đổi số là thiết lập cơ sở dữ liệu để “số hóa”.
* DN cần chủ động hơn
Trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng thông qua việc nhiều DN biết nắm bắt cơ hội, dần ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý kinh doanh, tiếp thị trực tuyến, điều hành kênh phân phối hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như nhu cầu quản trị kinh doanh.
Song trên thực tế, việc đầu tiên cần phải làm cho quá trình chuyển đổi số là thiết lập cơ sở dữ liệu, dần số hóa các thủ tục, thao tác, công cụ quản lý nhân sự, hệ thống sản xuất… thì nhiều DN vẫn còn thờ ơ, chưa mấy quan tâm.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai CHÂU MINH NGUYỆN cho biết, dự kiến trong tháng 4-2022, hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm về chuyển đổi số DN năm 2022. Nội dung của tọa đàm nhằm giúp các DN trong tỉnh nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và các bước chuẩn bị triển khai ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong giai đoạn phát triển công nghệ số hiện nay. |
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, thực ra ai cũng nói chuyển đổi số nhưng chuyển đổi số là gì, làm thế nào để chuyển đổi là những vấn đề mà nhiều DN còn khá mơ hồ. Do đó, muốn chuyển đổi số thì trước hết phải nâng cao được nhận thức của DN về chuyển đổi số. Đây là cả một quá trình đòi hỏi sự tìm tòi và vận hành phù hợp của DN.
“Trên thực tế, hiện nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn chưa số hóa số liệu, đánh giá quy trình xử lý thông tin trong nội bộ, hệ thống quản lý theo một trình tự phù hợp. Trong khi đây chính là cái gốc của vấn đề, việc cần làm đầu tiên để chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN và các bộ phận chuyên môn phải thực sự quyết tâm, chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức để từ đó hiểu đúng và thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả” - ông Nguyện nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, đầu tư công nghệ là một trong những tài sản của DN, nhưng phải thực tế và hiệu quả chứ không phải thấy các DN khác triển khai rồi mình cũng triển khai theo mà không quan tâm đến hiệu quả, điều kiện và khả năng của chính bản thân DN.
Tại tọa đàm DN linh hoạt thích ứng quản trị trong bối cảnh bình thường mới do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào cuối tháng 3-2022, ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc Khối dịch vụ Deloitte Private - Khối dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, pháp lý, kiểm toán cho khu vực kinh tế tư nhân của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam
(TP.HCM) chia sẻ, chuyển đổi số hiện nay không phải là chuyện cần hay không cần mà là bắt buộc. Sự cần thiết phải chuyển đổi số không chỉ DN Việt Nam mà cả trên khu vực và thế giới. Nhưng các DN Việt Nam có những thuận lợi riêng của người đi sau, tức là có thể rút ngắn thời gian. Tuy nhiên cần lưu ý, chuyển đổi số không phải ở công cụ mà là ở tư duy, mà tư duy đầu tiên từ người lãnh đạo.
* Con người vẫn là trung tâm
Bài toán về ứng dụng công nghệ là giải pháp để ngành sản xuất, thương mại vững vàng hơn trước những rủi ro về thị trường, dịch bệnh. Việc chuyển mình, thích nghi với công nghệ và sự thay đổi của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng trong tình hình mới là cả quá trình, từ tìm hiểu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu đến phát triển nhân sự vận hành… để từng bước “số hóa” đối với DN nói riêng và hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của địa phương nói chung.
Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ điều khiển tự động tại một nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Hố Nai 3 (H.Trảng Bom). (Ảnh: Hải Quân) |
Ông Trần Ngọc Hưng, Phó giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Đồng Nai, chia sẻ trong thời gian qua, chi nhánh chủ động đẩy mạnh quá trình “số hóa” trong các khâu hoạt động. Trong đó, áp dụng đặt đơn hàng qua ứng dụng (app) để khách hàng thuận tiện theo dõi đơn hàng, hành trình giao nhận của đơn hàng, tiết kiệm chi phí so với các đơn hàng “viết tay” như trước đây… Đồng thời, chi nhánh còn đẩy mạnh kết nối các sản phẩm, hàng hóa của địa phương, nhất là các đặc sản, lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Voso.vn.
Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương năng động, có nhiều lợi thế trong hoạt động TMĐT, phát triển nhiều hình thức chuyển đổi số, kinh tế số. Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Phát triển TMĐT tỉnh Đồng Nai năm 2022.
Kế hoạch đề ra các nội dung thực hiện; trong đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần xây dựng phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn); chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển TMĐT…
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) chia sẻ, vấn đề nhân lực rất quan trọng. Muốn vận hành sàn TMĐT của địa phương thành công, Đồng Nai cần xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng đủ cả về số lượng và năng lực. Khi kết hợp, tích hợp với các hoạt động thanh toán trực tuyến và dịch vụ logistics cần có đội ngũ nhân lực đủ năng lực, hiểu biết để tư vấn cho khách hàng có thể hiểu sản phẩm, mua sản phẩm nhanh chóng, thuận lợi nhất; cũng như nắm bắt các quy trình đối chiếu đơn hàng, đối soát hoạt động thanh toán, đảm bảo các giao dịch đúng, đủ, kịp thời; triển khai có hiệu quả các hoạt động xây dựng thương hiệu của sàn…
Hải Quân