Bản báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều băn khoăn về tốc độ và tính thực chất trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Bản báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều băn khoăn về tốc độ và tính thực chất trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Năm 2021 là năm cả nước phải căng sức để chống dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh và nhận được sự đánh giá tích cực. Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Nghị quyết cũng yêu cầu giảm bớt tình trạng phát sinh chi phí lớn cho DN hay phát sinh thủ tục hành chính và các giấy phép con, nhất là vấn đề hàng hóa ùn tắc tại một số cảng biển lớn.
Năm 2021, hầu hết các bộ đã xây dựng phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản pháp luật hiện hành vào năm 2025.
Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong những đề xuất cắt giảm của một số bộ, ngành, DN vẫn nhìn thấy tính hình thức, đề xuất những phương án có cũng như không hay vẫn còn nhiều quy định gây khó cho DN chưa được xử lý. Bên cạnh đó, dù xu hướng chung là tiếp tục cắt giảm nhưng tại một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.
Đơn cử như dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; DN phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định. Đại diện một DN sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.Biên Hòa cho rằng, điều này gây thêm gánh nặng về tài chính cũng như các thủ tục hành chính trong bối cảnh ngành Vận tải đang điêu đứng. “Thời gian qua, chúng tôi đã phải khổ sở vì giá xăng dầu cũng như việc vận chuyển hàng ra - vào cho DN mình bị đội chi phí, giờ áp dụng thêm các quy định mới sẽ càng khó khăn hơn” - vị đại diện DN này nói.
Cũng cần điểm lại một thực tế rằng, có những quy định được ban hành nhưng lại không thống nhất qua các bộ, ngành, cơ quan và thiếu hoặc chậm thông tư hướng dẫn làm DN khó lại càng rối khi nó liên quan sát sườn đến hoạt động hằng ngày.
Để môi trường kinh doanh thuận lợi, xu hướng hiện nay là cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, điều kiện kinh doanh lỗi thời, không còn phù hợp tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong quá trình triển khai các quyết định, chính sách của Chính phủ không có sự chồng chéo, thậm chí là có thêm giấy phép con “hành” DN.
Văn Gia