Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng chuỗi liên kết trồng rừng gỗ lớn

07:03, 31/03/2022

Hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ, nhất là từ nguồn nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu gỗ không ngừng tăng cao. Do đó, doanh nghiệp (DN) kinh doanh, chế biến gỗ rất quan tâm triển khai chương trình xây dựng chuỗi liên kết bền vững trồng rừng gỗ lớn từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến lâm sản.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ, nhất là từ nguồn nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu gỗ không ngừng tăng cao. Do đó, doanh nghiệp (DN) kinh doanh, chế biến gỗ rất quan tâm triển khai chương trình xây dựng chuỗi liên kết bền vững trồng rừng gỗ lớn từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến lâm sản.

Doanh nghiệp chế biến gỗ khảo sát rừng trồng và hoạt động khai thác gỗ rừng trồng tại H.Xuân Lộc. Ảnh: P.TÙNG
Doanh nghiệp chế biến gỗ khảo sát rừng trồng và hoạt động khai thác gỗ rừng trồng tại H.Xuân Lộc. Ảnh: B.NGUYÊN

Tham gia chuỗi liên kết, đơn vị trồng rừng sẽ được hỗ trợ làm chứng chỉ rừng FSC đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính, được ứng vốn đầu tư và ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra…

* Lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn

Thời gian qua, đa số diện tích rừng trồng chủ yếu là cây tràm trồng trong 4-5 năm sẽ thu hoạch. Nếu khai thác rừng ở năm thứ 4-5 chỉ có thể bán dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60-80 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha/năm. Trường hợp chuyển thành rừng gỗ lớn với thời gian trồng sau 10-12 năm mới tiến hành khai thác, giá trị gỗ thu được khoảng 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm. Với việc chuyển đổi này, chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ vì giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng.

Dưới góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc NGUYỄN VĂN LINH góp ý, để chuỗi liên kết hiệu quả, sự tham gia tích cực của DN đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động để người trồng rừng hiểu được hiệu quả của mô hình chuyển đổi, của việc tham gia chuỗi liên kết. Địa phương mong muốn DN đầu tư xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng được nhà máy chế biến tại chỗ.

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm, việc chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn còn có nhiều hiệu quả về mặt xã hội như trồng gỗ lớn cho lợi nhuận cao đồng nghĩa tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương sống gần và ven rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Về môi trường, việc thay đổi phương thức canh tác, giảm chi phí đầu tư giúp chủ rừng giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng giúp chống xói mòn, rửa trôi đất trong qua trình khai thác. Rừng gỗ lớn có khả năng hấp thụ carbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc chia sẻ, ngoài giá trị sản xuất, rừng trồng còn có ý nghĩa phòng hộ. Thực trạng hiện nay, giá trị sản xuất thu hoạch trên đất lâm nghiệp còn rất thấp. Việc gia tăng giá trị của rừng trồng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, việc bán được gỗ rừng có giá tốt rất quan trọng cho sự phát triển bền vững. Thực tế hiện nay, gỗ rừng trồng chủ yếu vẫn bán trôi nổi do chưa có chứng chỉ rừng, chưa có đầu ra ổn định nên giá bán ra còn thấp.

* Nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi

Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai với sự tham gia của DN trong ngành gỗ đã hợp tác với Sở NN-PTNT và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai chương trình xây dựng chuỗi liên kết trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững.

Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là một trong những đơn vị được chọn làm thí điểm, từ đó có thể nhân rộng ra các chủ rừng nhỏ lẻ. Tham gia chuỗi liên kết trồng rừng gỗ lớn, tất cả các bên đều có lợi. Trong đó, người trồng rừng tham gia chuỗi liên kết sẽ bán được gỗ với giá tốt hơn, không còn tình trạng bán gỗ trôi nổi như hiện tại. Hiện cây non, gỗ cao nhất chỉ bán được 4 triệu đồng/m3, trong khi để gỗ lớn sẽ bán được khoảng 6,5 triệu đồng/m3, trồng cây gỗ lớn về bài toán kinh tế cho thấy hiệu quả hơn rõ rệt.

Trong chuỗi liên kết, DN sẽ đứng ra làm chứng chỉ rừng; hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để giữ cây rừng trồng lâu năm hơn và bao tiêu sản phẩm. Trước mắt, sẽ đầu tư, khai thác cây hiện hữu là cây tràm. Lâu dài, DN đầu tư chọn lọc thêm nhiều giống mới hoặc đầu tư giống chất lượng cao hơn.

Về khảo sát các mô hình trồng rừng sản xuất tại H.Xuân Lộc, ông Võ Quang Hà, Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện biến động trên thế giới tương đối nhanh chóng do nhiều ảnh hưởng như dịch bệnh Covid-19, giao tranh giữa Nga và Ukraine, sự bất ổn này ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ.

Là một trong những DN cung cấp nguyên liệu gỗ lớn nhất Việt Nam, Tavico đang phấn đấu gắn kết ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm. Tham gia chuỗi liên kết, đơn vị, cá nhân trồng rừng sẽ được hỗ trợ làm chứng nhận rừng bền vững FSC theo yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu lớn hiện nay. DN cũng sẽ ứng vốn đầu tư cho người trồng chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, khi thu hoạch mới trừ chi phí đầu tư.

Theo ông Hà, DN mong mỏi phát triển gỗ có chứng chỉ rừng hợp pháp trong nước. Mục đích có nguồn gỗ ổn định trong tương lai cho ngành chế biến gỗ; đặc biệt, phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đem lại lợi ích cho người trồng rừng, cho các địa phương và tạo ra chuỗi cung ứng ổn định. DN đã có xưởng sấy gỗ, khu tiêu thụ sản phẩm tại TP.Biên Hòa. Về lâu dài, DN có thể đầu tư xưởng chế biến gỗ tại các vùng nguyên liệu để thuận lợi cho khai thác, chế biến. “Dự kiến thời gian đầu, DN sẽ phát triển khoảng 10 ngàn ha rừng trồng vào chuỗi liên kết có chứng chỉ rừng FSC và chuyển đổi sang rừng gỗ lớn” - ông Hà nói.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều