Từ cuối năm 2021, những lô ván ép bằng nhựa thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Scotland. Sự kiện này mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng là cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải nhựa.
Từ cuối năm 2021, những lô ván ép bằng nhựa thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Scotland. Sự kiện này mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng là cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải nhựa.
Dây chuyền tái chế chất thải nhựa thành tấm ván ép tại Công ty TNHH MTV Thanh Tùng. Ảnh: Phước Lộc |
Ngoài tấm ván nhựa để làm bàn ghế, tủ, DN này còn có các sản phẩm: gạch lót sàn, thùng đựng rác, vách ngăn tường…, tất cả đều được làm từ nhựa thải bỏ.
* Ép rác thải thành tấm ván
Chia sẻ về thông tin này, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng Bùi Xuân Hùng cho biết, công nghệ tái chế chất thải nhựa đã được các nước phát triển ứng dụng từ vài chục năm trước với 2 mục đích là tận dụng nguồn chất thải làm nguyên liệu sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Là DN hoạt động trong lĩnh này, DN đã tìm hiểu và quyết định hợp tác với Công ty TNHH Evergreen Social Ventures (Đức) để nhượng quyền công nghệ ép rác thải nhựa thành tấm ván nhựa theo nguyên lý gia nhiệt (ReForm Plastic).
Sự hợp tác này đã đem lại kết quả tốt khi lô hàng đầu tiên gồm 400 tấm ván ép độ dày 10mm và 14mm, kích thước 1,2m x 2,4m đã được xuất khẩu thành công từ cuối năm 2021. Đối tác ở Scotland là một công ty sản xuất đồ nội thất trang trí. Họ đặt mua sản phẩm ván ép nhựa để sản xuất bàn ghế, thùng rác, chậu cây cảnh và xuất khẩu đi các nước châu Âu.
Ông Huỳnh Phước Lộc, Giám đốc điều hành nhà máy cho biết, trước đây các loại chất thải nhựa công nghiệp không bán được như: vải da vụn, vụn đế giày, nhựa công nghiệp tổng hợp đều được xử lý bằng phương pháp đốt. Nhưng hiện các loại chất thải này đều được tận dụng. Chất thải về nhà máy được phân loại, băm nhỏ và rửa sạch. Tùy theo nhiệt độ nóng chảy của từng loại nhựa, chất thải được phối trộn với nhau. Sau đó, dùng máy ép nóng để định hình thành tấm, rồi dùng máy ép nguội tạo khuôn, cắt theo các kích thước phù hợp. Kết quả phân tích và thử nghiệm cho thấy, sản phẩm ván ép nhựa đạt các tiêu chuẩn về độ bền, an toàn với sức khỏe người sử dụng và môi trường.
Theo ông Lộc, do được sản xuất từ loại nhựa giá trị thấp nên sản phẩm có giá rẻ hơn so với ván gỗ ép, tấm ván nhựa. Không bị mối mọt, gỉ sét, kể cả khi sử dụng ngoài trời. Độ bền cơ học và tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm này còn góp phần hạn chế khai thác tài nguyên (cây xanh, khoáng sản kim loại). Hiện trung bình mỗi tháng công ty sản xuất hơn 1,5 ngàn tấm ván ép nhựa (tương đương 62 tấn rác). Một số đơn vị DN đang hợp tác thu gom chất thải làm tấm ván nhựa tái chế là: Công ty CP Taekwang Vina, Tập đoàn Phong Thái, Công ty TNHH Changshin Việt Nam…
* Cơ hội phát triển công nghiệp tái chế
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng Bùi Xuân Hùng cho rằng, ngoài tấm ván nhựa xuất khẩu, công ty còn có sản phẩm gạch cao su làm từ nhựa tái chế rất phù hợp lót nền trong nhà bếp, nhà tắm, trường mẫu giáo; ghế sử dụng trong công viên, bàn ghế dùng cho học sinh ở miền núi; thùng đựng rác khổ lớn; vách ngăn trong nhà thay thế tấm thạch cao hoặc kính nhôm… Công ty rất muốn hợp tác với các DN trong nước để phát triển sản phẩm. Công ty sẵn sàng hỗ trợ các DN cùng ngành nghề trong và ngoài tỉnh nhân rộng mô hình này, góp phần hạn chế chất thải.
Sản phẩm thùng đựng rác làm từ nhựa tái chế của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng |
Theo ông Hùng, khó khăn hiện nay là chính sách khuyến khích tái chế chất thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng rất nhiều nhưng thực sự chưa đến được với DN. Không chỉ về vốn mà cả hoạt động truyền thông sản phẩm hữu ích cho môi trường. “Chúng tôi chưa kết nối với nhiều công ty, khu xử lý để thu gom lại chất thải họ không bán, không tái chế được. Chúng tôi cũng chưa có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với các nhà sản xuất đồ nội thất, DN ngành vật liệu xây dựng. Chúng tôi mong các cơ quan, ban, ngành, địa phương ưu tiên mua vật liệu tái chế để thực hiện các công trình, dự án công cộng, kết nối quảng bá để ngành công nghiệp tái chế chất thải nhựa có cơ hội phát triển” - ông Hùng chia sẻ.
Ông Jan Zellmann, người sáng lập kiêm Giám đốc dự án Tái chế rác thải nhựa Reform Plastic tại Việt Nam cho rằng, tái chế rác thải nhựa đã qua sử dụng, không có khả năng mua bán như: túi ny-lông, ống hút, ly nhựa, hộp sữa, thùng xốp, các vật liệu có chứa nhựa công nghiệp là giải pháp vừa tạo ra lợi nhuận cho DN xử lý chất thải, vừa thay thế phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Ngoài chuyển giao quy trình cho Công ty Thanh Tùng tại Đồng Nai, chúng tôi đang thực hiện dự án tái chế rác thải nhựa tiêu dùng ở TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam). Cả 2 nhà máy đều hoạt động tốt nhưng chưa hết công suất do nguồn nguyên liệu đầu vào chưa ổn định.
Theo ông Jan Zellmann, Việt Nam hoàn toàn có thể giảm các thách thức về rác thải nhựa bằng cách thu gom và biến chất thải giá trị thấp thành sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị thương mại. ReForm Plastic hướng tới mục tiêu xây dựng 100 cơ sở ReForm Plastic trên toàn Việt Nam. Đơn vị sẽ đồng hành cùng các DN, địa phương nhân rộng mô hình tái chế chất thải nhựa theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Bình quân mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn chất thải rắn. Trong đó, phần lớn chất thải công nghiệp và rác thải nhựa sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp hợp vệ sinh, rất ít tái chế. Việc DN đầu tư công nghệ để tái chế chất thải nhựa giá thấp không chỉ mở ra hướng đi mới cho DN mà góp phần nâng tỷ lệ tái chế chất thải, phát triển ngành công nghiệp tái chế. Sở TN-MT đang rà soát đề xuất thành lập cụm công nghiệp tái chế chất thải; xây dựng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, vốn và hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tái chế đến các DN trong khu công nghiệp.
Hoàng Lộc