Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực khôi phục sản xuất sản phẩm OCOP

10:03, 18/03/2022

Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, thậm chí đình đốn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: nguồn cung nhiều sản phẩm đầu vào bị gián đoạn, giá tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn…

Sau thời gian dài sản xuất cầm chừng, thậm chí đình đốn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: nguồn cung nhiều sản phẩm đầu vào bị gián đoạn, giá tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) giới thiệu khu trưng bày sản phẩm OCOP của HTX vừa được đầu tư
Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) giới thiệu khu trưng bày sản phẩm OCOP của HTX vừa được đầu tư. Ảnh: B.Nguyên

Các DN, cơ sở vẫn nỗ lực khôi phục sản xuất, liên kết đa dạng thêm sản phẩm, tìm kiếm đầu ra. Trong đó, tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí và đầu tư cho các hoạt động quảng bá, bán hàng.

* Khó khăn nhiều bề

Sau suốt thời gian dài khó khăn khi sản xuất đình đốn, lưu thông hàng hóa gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, hiện các DN, cơ sở sản xuất trong hoàn cảnh chưa khắc phục hết những khó khăn đã có thì phải tiếp tục gặp cảnh “khó chồng khó” do các chi phí đầu vào sản xuất tiếp tục tăng cao, đầu ra bấp bênh. Trong đó, các DN, cơ sở tham gia chương trình OCOP đa số đều trong giai đoạn đầu tư xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường để nâng tầm từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, từ thị trường nội tỉnh ra thị trường cả nước và xuất khẩu càng gặp khó khăn.

Bà Cao Thị Ten, chủ Cơ sở Gà thảo mộc Cao Ten tại xã Phú Ngọc (H.Định Quán) chia sẻ, nhờ làm dòng sản phẩm đặc sản là trứng và thịt gà thảo mộc; đồng thời, đã chuẩn hóa được quy trình sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, đóng gói, cơ sở đã cung cấp được sản phẩm gà, trứng gà thảo mộc OCOP vào hệ thống siêu thị Co.opmart và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, cơ sở hiện đang đối mặt với khó khăn chồng chất do sức mua trên thị trường giảm mạnh, có thời điểm không xuất được hàng. Hiện trang trại của bà Ten còn vài ngàn con gà đến lứa vẫn chưa xuất chuồng được, trong khi giá thức ăn chăn nuôi cùng nhiều chi phí khác không ngừng tăng cao khiến cơ sở rơi vào cảnh gồng mình gánh lỗ. Cơ sở buộc phải điều chỉnh sản xuất, giảm quy mô đàn nuôi để cân bằng cung cầu.

Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (P.Xuân Tân, TP.Long Khánh) lại đối mặt với khó khăn không nhỏ khi muốn khôi phục sản xuất thì từ nguyên liệu chế biến đến bao bì… đều đang thiếu nguồn cung. Bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân chia sẻ, sau đợt dịch bệnh kéo dài, các vườn trồng khổ qua rừng, rau củ là nguyên liệu đầu vào sản xuất của DN bị thu hẹp hoặc tạm thời chưa tổ chức lại đợt trồng mới. Duy trì nhà xưởng hoạt động ổn định cũng không phải là chuyện dễ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Hiện DN đang trong cảnh chờ vì tạm thời chưa có bao bì để đóng gói sản phẩm xuất ra thị trường vì nguồn cung bị đứt gãy, giá tăng đang là câu chuyện chung của thị trường hiện nay.

* Linh hoạt thích ứng

Bị bủa vây bởi khó khăn, các DN, cơ sở OCOP đều nỗ lực tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí đầu vào đồng thời tìm mọi cơ hội để có đầu ra cho sản phẩm.

Bà Hồng Vân cho biết thêm, DN đang tạm ngưng cung cấp sản phẩm ra thị trường vì nguồn cung bao bì tạm thời bị gián đoạn. Ngoài việc nỗ lực khắc phục những khó khăn trong sản xuất, đầu tư lại vùng sản xuất nguyên liệu, DN vẫn tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh để mở rộng cơ hội tìm thêm khách hàng, đối tác kinh doanh. Ngoài dòng sản phẩm truyền thống là các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu khổ qua rừng, DN mở rộng thêm nhiều dòng hàng mà nhu cầu thị trường mùa dịch đang cần như trà, sản phẩm chế biến từ sả, gừng; đóng gói, cung cấp thêm các sản phẩm rau, trái tươi ra thị trường để thêm nguồn thu duy trì hoạt động của DN trong lúc khó khăn.

Cùng quan điểm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ chia sẻ, ngay trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn nhưng HTX vẫn mạnh dạn đầu tư khu bán và trưng bày sản phẩm ngay tại địa phương. HTX cũng không ngừng đa dạng mặt hàng, ngoài dòng sản phẩm chính từ sen, HTX không ngừng mở rộng thêm các dòng sản phẩm sấy từ gừng, nghệ, củ quả… là sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng nhiều trong thời dịch. HTX cũng thực hiện việc đóng hàng với nhiều hình thức bao bì khác nhau để có thêm lựa chọn cho khách, sản phẩm tặng có thể chọn mẫu mã được đóng gói sang trọng, mua về sử dụng thì chọn cách đóng gói bình dân hơn. Theo bà Bích Lệ: “Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, HTX đẩy mạnh kênh phân phối online, đặt hàng qua điện thoại. Suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, HTX vẫn giữ được doanh thu tốt vì dù khách ở xa đặt đơn hàng nhỏ, đơn vị cũng không ngại đóng hàng gởi đến tận nơi”.     

Bình Nguyên

Tin xem nhiều