Giá xăng dầu lập 'đỉnh' trong khoảng 8 năm qua, giá gas tăng thêm hơn 50 ngàn đồng/bình 12kg... gây ra áp lực rất lớn tới đời sống, chi tiêu hằng ngày. Người tiêu dùng, nhất là công nhân, người lao động, sinh viên… sẽ chịu nhiều tác động vì giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao.
Giá xăng dầu lập 'đỉnh' trong khoảng 8 năm qua, giá gas tăng thêm hơn 50 ngàn đồng/bình 12kg... gây ra áp lực rất lớn tới đời sống, chi tiêu hằng ngày. Người tiêu dùng, nhất là công nhân, người lao động, sinh viên… sẽ chịu nhiều tác động vì giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao.
Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương |
* Giá xăng, dầu, gas liên tục tăng cao
Từ 15 giờ ngày 1-3, giá xăng E5 RON92 tiếp tục tăng 545 đồng/lít, xăng RON95 tăng 547 đồng/lít theo đợt điều chỉnh giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước mới nhất của Liên bộ Công thương - Tài chính.
Như vậy, giá xăng trong nước có lần tăng thứ 5 từ đầu năm 2022 đến nay. Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa đối với xăng E5 RON92 là 26.077 đồng/lít và xăng RON95 là 26.834 đồng/lít, mức giá này tiếp tục lập kỷ lục mới trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3-2022, giá gas bán lẻ trong nước tăng 42 ngàn đồng/bình đối với loại bình 12kg. Sau khi được điều chỉnh, giá các loại gas phổ biến dao động khoảng 502-526 ngàn đồng/bình 12kg tùy loại. Đây là lần tăng giá gas bán lẻ thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đến nay, với tổng mức tăng là 58 ngàn đồng/bình 12kg.
Theo nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống và đại diện một số siêu thị, trong thời gian gần đây, sức mua của người tiêu dùng giảm khá nhiều so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng. Người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu nên hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, sức tiêu thụ giảm trong khi nhiều chi phí phát sinh, nhất là sau khi giá các loại xăng, dầu liên tục tăng cao. Bà Cẩm Hà, tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Biên Hòa chia sẻ, thời gian qua, sức mua tại sạp khá chậm, giảm khoảng 70% so với thời điểm cao điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. |
Giá xăng, dầu, gas tăng cao trong thời gian qua có thể đẩy chi phí đầu vào của các ngành dịch vụ, sản xuất tăng lên, đồng thời sẽ tạo thêm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng, nhất là công nhân, người lao động, sinh viên, cũng như shipper (người giao hàng)…
Chị Nguyễn Nghìn, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình chị có 4 thành viên bao gồm vợ chồng chị và 2 con đang tuổi ăn học. Vợ chồng chị đều là công nhân lao động bình thường, hằng tháng thu nhập phải dùng để trang trải các loại chi phí như: tiền điện nước, tiền internet, tiền học thêm, tiền học ở trường cho các con, tiền xăng xe, tiền ăn uống, sinh hoạt...
Sau những ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh Covid-19 còn chưa phục hồi, nay chị lại thấy áp lực trước tình hình vật giá “leo thang” từng ngày, trong đó đều là những mặt hàng thiết yếu của đời sống như: lương thực, thực phẩm, xăng, gas; ngoài ra, hiện còn phải trang bị thêm các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch...
“Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng sau khi trừ mọi chi phí còn có dư chút ít dành dụm cho hai bên nội ngoại và các con, nay thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Tôi cảm thấy rất lo lắng, thay vì cố gắng cải thiện cuộc sống như kỳ vọng, những gia đình công nhân lao động như chúng tôi phải liên tục cắt giảm, chắt bóp những khoản chi phí tiêu dùng, nhất là cho bữa ăn và cuộc sống hằng ngày...” - chị Nghìn bộc bạch.
Anh Duy Tân, shipper của một ứng dụng giao đồ ăn nhanh ở khu vực TP.Biên Hòa cho hay, làm nghề shipper nên những lúc giá xăng tăng, cánh giao hàng, tài xế công nghệ gặp nhiều khó khăn hơn bởi nhiều thứ “ăn theo” giá vận chuyển như: bảo dưỡng xe, tiền cơm, tiền thuê nhà, phí sinh hoạt… Trong khi đó, giá chiết khấu giao hàng hiện vẫn giữ nguyên, trung bình mỗi cuốc giao hàng anh nhận được 10-20 ngàn đồng tùy khoảng cách di chuyển.
“Lúc trước, ứng dụng “nổ” đơn ở đâu tôi đều nhận dù ở xa vị trí tôi đang đứng, nhưng hiện tại tôi cố gắng nhận 2-3 đơn cùng một tuyến đường để gộp giao cho đỡ tốn xăng xe. Những ngày vừa qua, anh em shipper đều than với nhau vì giá xăng tăng chóng mặt, mọi người đều phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí chạy thêm giờ để có thêm thu nhập” - anh Tân bộc bạch.
* Thắt chặt chi tiêu
Giá xăng, dầu, gas tăng cao khiến cho người tiêu dùng lo ngại giá nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ có thể lập mặt bằng giá mới cao hơn, làm ảnh hưởng đến đời sống, chi tiêu hằng ngày. Trên thực tế, trong thời gian gần đây, theo khảo sát tại nhiều chợ hạng 1, hạng 2 trong tỉnh, giá cả nhiều mặt hàng như: rau củ quả; thủy, hải sản… có xu hướng tăng lên khi giá xăng dầu tăng cao. Điều này khiến nhiều gia đình buộc phải tính toán, thắt chặt chi tiêu.
Chị Ngọc Anh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thời gian qua, tôi thấy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nhất là giá xăng, gas, gạo, các loại thực phẩm tươi sống… Nếu như trước đây, tôi thường đi chợ khoảng 200 ngàn đồng/ngày là có đầy đủ nguyên, phụ liệu cần thiết để chuẩn bị bữa ăn cả ngày cho gia đình thì nay phải cần ít nhất 250 ngàn đồng cho mỗi lần đi chợ. Vật giá ngày càng tăng nên gia đình tôi đã thắt chặt chi tiêu nhiều nhu cầu, dịch vụ không thiết yếu. Đơn cử, trước đây cả gia đình có thể đi ăn sáng ở ngoài, trưa ăn ở ngoài luôn, tối mới nấu cơm nhà thì giờ ăn sáng ở nhà và nấu cơm đem theo đi làm cho cả ngày. Trước đây, hầu như ngày nào tôi cũng đi chợ hoặc siêu thị thì giờ giãn ra 2-3 ngày/lần; ngoài ra, đối với nhiều mặt hàng, tôi chủ động “săn” hàng khuyến mãi, giảm giá để tiết kiệm chi phí”.
Chị Phan Trinh, ngụ P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay: “Hằng ngày, tôi đi làm bằng xe máy. Từ chỗ trọ đến nơi làm việc khoảng gần 10km nên khi giá xăng lên cao, chi phí đi lại, di chuyển của tôi tăng gấp rưỡi. Chưa kể, tiền thuê trọ, điện, nước mỗi tháng của tôi khoảng 2 triệu đồng. Do đó, để đảm bảo duy trì chi phí sinh hoạt tôi đã phải cắt giảm nhiều chi phí không cần thiết, giảm thời gian mua sắm, đi chợ…”.
Lam Phương