Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành dệt may tiếp tục bứt phá

02:03, 12/03/2022

Hai năm qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng ngành dệt may Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may Đồng Nai nói riêng đã nỗ lực trụ vững và tiếp tục phát triển.

Hai năm qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng ngành dệt may Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may Đồng Nai nói riêng đã nỗ lực trụ vững và tiếp tục phát triển. Dự tính năm 2022, ngành dệt may Việt Nam sẽ về đích với kỷ lục mới là kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5-43 tỷ USD, tăng 3,5-4 tỷ USD so với năm trước.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1)
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh: H.Giang

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai đạt hơn 333 triệu USD, tăng gần 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, ngành dệt may Đồng Nai đã có sự hồi phục tương đối khả quan trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

* Bước qua sóng gió

Năm 2021 là năm ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều DN dệt may các tỉnh, thành phía Nam phải chịu nhiều tổn thất lớn do khoảng thời gian giãn cách xã hội. Gần 3 tháng liền, nhiều DN phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng vì không đủ điều kiện thực hiện cho tất cả công nhân sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Tuy khó khăn nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đồng Nai vẫn đạt gần 1,6 tỷ USD và vẫn là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Từ cuối tháng 10-2021, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh dần hồi phục sản xuất thì lại rơi vào khó khăn thiếu nguồn lao động để làm việc do công nhân sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại. Nhiều DN phải vất vả tìm cách hỗ trợ để đưa người lao động quay lại làm việc và tuyển thêm nguồn lao động mới để đào tạo. Bên cạnh đó, các DN dệt may cũng gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trước đó và tìm thêm đơn hàng mới cho năm 2022.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho biết: “Dịch bệnh gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành dệt may trong nước, đầu tiên là thiếu nguyên liệu đầu vào, tiếp đến là khó khăn trong đầu ra. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trong năm 2021, rất ít DN giữ được 100% công suất các nhà máy. Tổng công ty May Đồng Nai kịp thời chuyển đổi, mở rộng sản xuất vải không dệt để làm khẩu trang, quần áo bảo hộ nên đảm bảo sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động”.

Cũng theo ông Kích, để có đủ nguyên liệu cho sản xuất và đảm bảo đầu ra, công ty phải tìm thêm thị trường nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu. Tổng công ty May Đồng Nai có nhiều năm hoạt động trên lĩnh vực này và hàng hóa đã vào được những thị trường khó tính nên việc mở rộng thị trường không quá khó khăn.

Nhiều DN dệt may khác tại Đồng Nai cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu đã thuận lợi hơn so với năm trước, đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài cũng dồi dào. Thế nhưng, DN dệt may lại gặp những vướng mắc khác như: thiếu container, thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài, công vận chuyển, giá xăng dầu tăng cao…

* Nhiều trở ngại phải vượt qua

Từ cuối năm 2021 đến nay, sản xuất dệt may tại Đồng Nai cũng như cả nước phục hồi khá nhanh; nếu dịch bệnh tiếp tục được khống chế tốt tại Việt Nam và các nước trên thế giới thì ngành này dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhận định: “Năm 2021, dù dịch bệnh nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt hơn 39 tỷ USD là do các DN đã chủ động sản xuất theo chuỗi khép kín, nhiều đơn hàng chủ động được từ khâu sợi - dệt - vải - may. Tuy nhiên, DN dệt may miền Bắc, miền Trung tăng trưởng khá cao, DN phía Nam gặp khó khăn do 3 tháng giãn cách xã hội nên nhiều đơn hàng luân chuyển ra miền Trung và Bắc. Năm 2022, vấn đề các DN lo lắng nhất vẫn là dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực sản xuất trong các nhà máy”.

Dệt may là ngành cần nhiều lao động nhất so với các lĩnh vực khác nên nếu không đảm bảo được nguồn lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Hiện nay, nhiều DN đã đầu tư thêm máy móc công nghệ hiện đại để giảm lao động, tăng năng suất và nâng cao thu nhập cho những lao động có tay nghề để giữ họ gắn bó lâu dài với nhà máy.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TP.HCM) ví von, ngành dệt may thế giới cũng như chiếc bánh không thay đổi, DN một số nước trên lĩnh vực này tăng trưởng khá nhanh, như vậy, thị phần mở rộng nơi này thì sẽ co hẹp nơi khác. Gần đây, ngành dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đang vượt lên, DN Việt Nam nếu giậm chân tại chỗ sẽ mất dần các đơn hàng. Vì thế, các DN dệt may Việt Nam xây dựng được chiến lược phát triển bền vững theo yêu cầu của các nhãn hàng, đồng thời trở thành đối tác lâu dài với những nhãn hàng quốc tế.

Một số chuyên gia ngành dệt may cho rằng, bên cạnh việc sản xuất theo đơn hàng của các nhãn hàng nước ngoài, DN chú ý xây dựng thương hiệu riêng cho mình để đến năm 2030, dệt may Việt Nam có khoảng 30 thương hiệu mang tầm quốc tế như kế hoạch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đề ra.

Ông BÙI XUÂN KHU, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lưu ý, tỉ trọng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành dệt may Việt Nam khá lớn nên phải kết nối, hợp tác để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đồng thời, Vitas có chiến lược phát triển nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất, xuất khẩu, khai thác các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết. 

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều