Xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm subtype H5N1, là chủng virus có thể lây cho người. Hai huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu đang tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vaccine cúm gia cầm trên địa bàn các xã có dịch và các vùng đệm theo quy định.
Xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm subtype H5N1, là chủng virus có thể lây cho người. Hai huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu đang tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vaccine cúm gia cầm trên địa bàn các xã có dịch và các vùng đệm theo quy định.
H.Vĩnh Cửu tổ chức tiêm vaccine phòng cúm gia cầm tại xã Vĩnh Tân, xã giáp ranh xã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Ảnh: B.Nguyên |
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng.
* Kiểm soát bắt đầu từ trang trại chăn nuôi
Ngày 5-2, một hộ chăn nuôi vịt tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) xuất hiện tình trạng vịt chết. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện ngay việc xác minh tình hình dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch cúm H5N1, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã thành lập đoàn công tác làm việc với H.Trảng Bom về các giải pháp phòng, chống dịch. Trong đó, đoàn đề nghị H.Trảng Bom, H.Vĩnh Cửu tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vaccine phòng cúm gia cầm cho các xã có dịch và các vùng đệm theo quy định. Sở NN-PTNT cũng đã ban hành văn bản về tình hình dịch cúm gia cầm tại H.Trảng Bom và các văn bản liên quan về công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh cũng ban hành văn bản về việc khẩn cấp triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm subtype H5N1 trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom, hiện địa phương đã cơ bản thực hiện xong việc tiêm vaccine phòng dịch cúm gia cầm tại xã xuất hiện ổ dịch và các xã vùng đệm. UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên vật nuôi của cả năm 2022 và xây dựng kế hoạch thực hiện vệ sinh tiêu độc, sát trùng. Huyện đã tập trung lấy 90 mẫu xét nghiệm cúm gia cầm trên địa bàn xã Bắc Sơn và 2 xã vùng đệm Hố Nai 3 và Bình Minh. Địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm tại địa phương.
Ông Lê Đình Thông, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch cúm, chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch. Yếu tố quan trọng của việc phòng dịch là tiêu diệt được mầm bệnh bằng cách xử lý tiêu hủy vật nuôi bị bệnh và tiêu độc, sát trùng trại nuôi, phương tiện vận chuyển. Việc tiêm vaccine khi phát hiện ổ dịch có thời điểm vàng để đàn gia cầm được miễn dịch tốt và tiêu diệt mầm bệnh kịp thời. Rất may, ổ dịch được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên không xảy ra tình trạng lây lan ra xung quanh. Ngay từ đầu năm, các xã, các vùng nguy cơ thấp, việc tổ chức tiêm phòng được xã hội hóa nhưng khi có dịch thì sẽ có nguồn ngân sách nhà nước để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng thật cao trong đàn vật nuôi, dập tắt mầm bệnh.
* Hết sức chủ động phòng dịch
Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn vệ sinh dịch tễ được các trang trại, doanh nghiệp (DN) lớn đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc quản lý hệ thống chuỗi trại chăn nuôi vịt giống của Công ty TNHH Nông nghiệp Bình An Phát (H.Trảng Bom) chia sẻ, DN hiện đầu tư 9 trang trại vịt giống với tổng đàn khoảng 300 ngàn con. Công tác phòng, chống dịch tại các trại nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm được DN đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác tiêm vaccine phòng dịch và an toàn sinh học là giải pháp DN tập trung thực hiện. Trong năm 2022, DN đã xây dựng phương án phòng, chống dịch chặt chẽ trên đàn vịt giống, đồng thời đưa ra quy trình vaccine cho người chăn nuôi.
Theo các địa phương, công tác phòng, chống dịch trên vật nuôi, trong đó có dịch cúm gia cầm đã được các địa phương chủ động triển khai từ đầu năm. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn một số khó khăn. Trong đó, việc chưa quản lý được chăn nuôi nhỏ lẻ thường còn rất hạn chế về kiến thức, nhận thức an toàn sinh học làm rủi ro xuất hiện dịch bệnh và trở thành nguồn lây lan. Các địa phương đề xuất ngành Nông nghiệp cần có giải pháp quản lý hiệu quả hơn về chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là cần có chế tài xử lý tình trạng không khai báo khi chăn nuôi, quan tâm đào tạo, tập huấn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ về kiến thức an toàn sinh học…
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ nhận định, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, cũng như tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống dịch năm 2022. Đề nghị các ngành, địa phương đồng bộ thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch như: khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2022; củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện; phân công các thành viên phụ trách và chịu trách nhiệm theo dõi, nắm bắt thông tin về dịch bệnh trên vật nuôi để kịp thời phát hiện và xử lý khi có dịch xảy ra. Thành lập/củng cố đội phản ứng nhanh với dịch bệnh trên từng xã, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1-2022. Đặc biệt, quan tâm công tác tuyên truyền sâu rộng về dịch bệnh bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của cơ sở chăn nuôi về thực hiện phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các hành vi không tổ chức tiêm phòng theo quy định.
Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ chỉ đạo những khu vực có nguy cơ cao về dịch cúm gia cầm, cần tăng cường giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý không để dịch bệnh lây lan. Khi dịch bệnh xảy ra, cần triển khai nhanh chóng, quyết liệt, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác triển khai nhanh chóng tiêm phòng vaccine bao vây ổ dịch; tổ chức sát trùng tiêu độc nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng. Tăng cường hoạt động của đội liên ngành, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, giết mổ trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. |
Bình Nguyên