Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022, Đồng Nai sẽ triển khai hơn 1,5 ngàn công trình, dự án trên các lĩnh vực, trong đó có hàng trăm dự án có sử dụng đất lúa. Trước đây, nhiều dự án bị ách lại do có liên quan đến đất lúa, nhưng hiện nút thắt này đã được tháo gỡ, giúp chủ đầu tư bớt phải chờ đợi.
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022, Đồng Nai sẽ triển khai hơn 1,5 ngàn công trình, dự án trên các lĩnh vực, trong đó có hàng trăm dự án có sử dụng đất lúa. Trước đây, nhiều dự án bị ách lại do có liên quan đến đất lúa, nhưng hiện nút thắt này đã được tháo gỡ, giúp chủ đầu tư bớt phải chờ đợi.
Những dự án có sử dụng đất lúa của H.Vĩnh Cửu diện tích rất nhỏ, hầu hết thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. Ảnh: H.Giang |
Theo quy định, dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp nếu diện tích dưới 10ha thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh quyết định, còn từ 10ha trở lên sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
* Bớt thủ tục khi chuyển đổi đất lúa
Trên địa bàn tỉnh có trên 30 dự án lấy đất trồng lúa với diện tích lớn hơn 10ha/dự án. Trong đó có những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng quá 3 năm chưa thực hiện do vướng đất đai, thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch chưa đồng nhất... Với các dự án quá thời hạn quy định muốn được thực hiện tiếp, khi triển khai sẽ phải làm lại thủ tục và doanh nghiệp (DN) mất thêm từ 1-2 năm chờ đợi. Với dự án liên quan đến đất lúa có diện tích lớn, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ lấy ý kiến các bộ, ngành, sau đó chỉnh sửa hoàn thiện, gửi Bộ TN-MT trình Chính phủ phê duyệt.
Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã hủy hơn 110 dự án có sử dụng đất trồng lúa đã quá 3 năm chưa thực hiện. Các dự án trên có sử dụng khoảng 160ha đất lúa, tập trung ở TP.Biên Hòa và các huyện: Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc. |
Bà Đào Thị Thanh Hoài, Trưởng phòng Quy hoạch Sở TN-MT cho biết: “Hiện nay, các dự án sử dụng nhiều đất lúa do Chính phủ quyết định đã được giảm bớt một số thủ tục, không phải gửi lấy ý kiến các bộ, ngành. Bộ TN-MT sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ họp hội đồng thẩm định, các bộ, ngành cùng tham gia và có ý kiến trực tiếp để chỉnh sửa nên rút ngắn thời gian chờ đợi ý kiến của từng cơ quan. Như vậy, các dự án quan trọng sẽ bớt ảnh hưởng đến tiến độ”.
Đồng Nai là nơi được quy hoạch thực hiện nhiều dự án về hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, đa số đều phải lấy vào đất nông nghiệp và trong đó có đất trồng lúa. Diện tích trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt của tỉnh khoảng 18 ngàn ha được các địa phương khoanh vùng và rất ít dự án quy hoạch vào khu vực trên.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Nguyễn Hồng Quế cho hay: “Những năm trước, dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng diện tích lớn mất rất nhiều thời gian làm thủ tục và chờ đợi các bộ, ngành, Chính phủ góp ý và chấp thuận. Do đó, các dự án quan trọng thường bị kéo dài ít khi kịp theo đúng tiến độ đề ra. Gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành đã đơn giản thủ tục về đất đai nên Đồng Nai triển khai các dự án như: đường cao tốc, đường vành đai… khi báo cáo Chính phủ về chủ trương đầu tư sẽ báo luôn diện tích đất lúa cần sử dụng để được giải quyết cùng lúc”.
* Hạn chế quy hoạch vào đất lúa
Để các dự án triển khai đúng tiến độ, các địa phương khi quy hoạch sử dụng đất đều hạn chế quy hoạch vào đất lúa với diện tích lớn để giảm bớt được thủ tục. Vì thế, các dự án thường lấy vào đất lúa đa số dưới 10ha, chỉ cần HĐND tỉnh thông qua có thể thực hiện. Đồng Nai có trên 300 dự án có sử dụng đất lúa, nhưng chỉ từ 1-9ha/dự án.
Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên chia sẻ: “Xuân Lộc có nhiều diện tích đất lúa, trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, các dự án hầu hết là sử dụng đất cây lâu năm, cây hàng năm. Một số dự án giao thông quan trọng phải sử dụng đất lúa nhưng diện tích nhỏ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nên sẽ bớt được các vướng mắc. Riêng với đất lúa 3 vụ/năm, huyện đã đầu tư đầy đủ hệ thống kênh mương thủy lợi nên sẽ bảo vệ nghiêm ngặt không quy hoạch các dự án”.
Tương tự, H.Vĩnh Cửu quy hoạch nhiều dự án trên các lĩnh vực và sẽ triển khai trong những năm tới. Tuy nhiên, huyện chỉ có 2 dự án lớn cần lấy vào đất lúa, đất rừng, còn hàng trăm dự án khác rất ít sử dụng đất lúa, nếu có diện tích chỉ 0,5-6ha/dự án.
“Khi làm quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, huyện đã lấy ý kiến các phòng, ban, xã, thị trấn, sở, ngành về từng dự án sẽ thực hiện trong những năm tới. Vì vậy, dự án được quy hoạch, có chủ đầu tư sẽ không bị vướng pháp lý về đất lúa” - Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài nói.
Từ nay đến năm 2030, mỗi địa phương trong tỉnh đều quy hoạch 400-600 dự án trên các lĩnh vực, gỡ bớt khó khăn từ việc sử dụng đất lúa có thể rút ngắn thời gian làm hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hương Giang