Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm thuế VAT: Nhiều người chưa quan tâm

11:03, 02/03/2022

Sau hơn 1 tháng áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tại nhiều siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ với giá rẻ hơn nhờ giảm thuế.

Từ đầu tháng 2-2022, nhiều hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% được giảm xuống còn 8% theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều siêu thị đã áp dụng giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhóm mặt hàng, sản phẩm theo quy định. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Nhiều siêu thị đã áp dụng giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhóm mặt hàng, sản phẩm theo quy định. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Đến nay, sau hơn 1 tháng chính sách mới này có hiệu lực, tại nhiều siêu thị, cửa hàng dịch vụ, người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ trong danh mục được giảm thuế VAT về mức 8% với giá rẻ hơn nhờ giảm thuế.

* Mua hàng ở siêu thị đã được giảm VAT

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: Big C, Co.opmart Biên Hòa, MM Mega Market Biên Hòa… đã giảm thuế VAT theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Người tiêu dùng khi mua sắm tại đây có thể kiểm tra thông tin thuế VAT mới trên hóa đơn với mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%... Theo đó, các mặt hàng như: thực phẩm công nghệ, giấy ăn, sữa, hàng gia dụng, bột ngọt, các sản phẩm thời trang may mặc… áp dụng VAT 8%; các nhóm hàng VAT 5% thì vẫn giữ nguyên.

Ông Trần Đình Quyền, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa chia sẻ, siêu thị đã áp dụng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với những mặt hàng theo quy định ngay sau khi mở cửa hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Siêu thị thông tin trên hóa đơn những mặt hàng nào áp dụng mức thuế 8%, những mặt hàng giữ nguyên mức thuế như trước đây theo quy định... Nhìn chung, việc giảm thuế được các khách hàng doanh nghiệp với số lượng đơn hàng lớn quan tâm, trong khi khách hàng mua lẻ vẫn chưa để ý nhiều.

Tương tự, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên cho biết, hiện nay siêu thị đã áp dụng việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với những mặt hàng theo quy định. Trên hóa đơn đã hiển thị những mặt hàng áp dụng mức thuế 5%, 8% hay 10% theo đúng danh mục quy định. Tình hình áp dụng chính sách mới này đã “vào guồng” sau hơn 1 tháng có hiệu lực.

Chị Minh Tri (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi thấy trên hóa đơn của nhiều siêu thị đã áp dụng giảm mức thuế VAT xuống 8% đối với nhiều mặt hàng. Việc giảm thuế VAT dù không lớn nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết cho người dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn như hiện nay”.

* Khó nhận biết giảm thuế khi mua hàng ở chợ, cửa hàng nhỏ lẻ

Bên cạnh các hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn đã thực hiện công khai, rõ ràng trong việc giảm thuế VAT thì vẫn có một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích cộng gộp thuế vào giá sản phẩm nên người dùng chưa rõ mức hưởng lợi cụ thể thế nào.

Chị Ngọc N., quản lý một chuỗi quán cà phê ở TP.Biên Hòa cho biết, từ trước đến nay cửa hàng vẫn cộng gộp thuế VAT vào hóa đơn thanh toán cho khách. Số tiền hiển thị trên hóa đơn là số tiền thanh toán của khách hàng chưa ghi rõ phần thuế VAT.

Chị Minh Hà (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, chị thường ghé chợ hoặc các cửa hàng tạp hóa truyền thống gần nhà mua thực phẩm, hầu hết người bán đều không xuất hóa đơn. Cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm đến thuế VAT, nhìn chung chỉ cần biết mặt hàng đó tăng hay giảm giá bao nhiêu so với trước.

“Mặc dù nghe nhiều thông tin về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp giảm bớt được phần nào khó khăn về kinh tế nhưng người tiêu dùng như tôi chưa thật sự nắm rõ mức hưởng lợi ra sao. Bởi không chỉ mua bán lẻ ngoài chợ dân sinh mà hiện một số hệ thống, cửa hàng tiện ích về thực phẩm, dược phẩm… cũng cộng gộp thuế vào giá sản phẩm nên tôi không rõ mức giảm của từng sản phẩm và hóa đơn cụ thể như thế nào” - chị Hà băn khoăn.

Chị Lê Thị Thu Minh, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Biên Hòa chia sẻ, việc giảm thuế này chưa được thể hiện rõ ở các giao dịch bán lẻ trong chợ thường là giao dịch trực tiếp “tiền trao cháo múc”, không có xuất hóa đơn. Thường người bán chỉ biết bán hàng đúng giá chứ không quan tâm nhiều đến thuế VAT. Chưa kể trong thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao, sức mua tại chợ giảm khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng không những chưa giảm mà có xu hướng tăng lên.

Tương tự, bà Thanh Hương, một tiểu thương bán tạp hóa ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, nguồn khách hàng của tiệm chủ yếu là bà con xung quanh và khách vãng lai, họ đa phần mua theo hình thức bán lẻ. Buôn bán nhỏ lẻ hộ gia đình nên các món hàng, mặt hàng có giá trị không cao, chỉ dao động từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/sản phẩm nên chẳng ai quan tâm đến thuế, bởi số tiền giảm rất ít, thậm chí không có đơn vị tiền lẻ đồng để trả lại. “Vì vậy, từ trước đến nay, cửa tiệm của tôi chỉ bán hàng dựa theo phương thức lấy tiền vốn cộng thêm chút ít tiền công lãi, ngoài ra không bao gồm thêm khoản tiền nào khác” - bà Thanh Hương bày tỏ.

Lam Phương

 

 

 

Tin xem nhiều