Những năm gần đây, nhiều nông dân trồng hoa màu, cây ăn trái không phải sáng đêm bù nước. Chi phí sản xuất giảm, năng suất cây trồng tăng, hiệu quả kinh tế cải thiện.
Những năm gần đây, nhiều nông dân trồng hoa màu, cây ăn trái không phải sáng đêm bù nước. Chi phí sản xuất giảm, năng suất cây trồng tăng, hiệu quả kinh tế cải thiện.
Điện lực Xuân Lộc thay máy biến áp phục vụ nhu cầu tưới mùa khô của người dân. Ảnh: B.MAI |
Một trong những nguyên nhân tạo nên thuận lợi này là điện lưới được kéo ra đồng theo 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và điện khí hóa nông thôn.
* Thay đổi cơ cấu cây trồng, cách thức sản xuất
Ông Hồ Tấn Huy (ngụ xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) có 2ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ông Huy trồng lúa nước, mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ năng suất đạt khoảng 6 tấn/ha, tương đương thu nhập 70 triệu đồng/năm/ha. Vài năm trở lại đây, nhờ hệ thống kênh mương nội đồng và điện lưới, ông Huy chuyển sang trồng luân phiên 2 vụ bắp, 1 vụ củ sắn. Lợi nhuận có thể đạt nửa tỷ đồng/ha/năm.
“Tôi bỏ tiền kéo dây, lắp đặt công tơ, đèn từ 4 năm trước. Có điện, có nước làm nông nhàn hơn hẳn. Chỉ cần gạt cầu dao tưới một lúc là xong, không phải bù nước đêm, không phải thuê máy dầu bơm nước như trước nên tiết kiệm được tiền mà thu nhập lại tăng” - ông Huy chia sẻ.
Theo thống kê của PC Đồng Nai, hiện điện lưới quốc gia đã bao phủ được 99,99% hộ gia đình toàn tỉnh, trong đó nông thôn đạt 99,98%. Đây là điều kiện căn bản để các hộ gia đình, đặc biệt là gia đình nông thôn cải thiện đời sống sinh hoạt; chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng, cách thức sản xuất, mùa vụ, tăng hiệu quả kinh tế. |
Không chỉ gia đình ông Huy, nhiều hộ trồng lúa nước ở các xã Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) nay đã chuyển sang làm hoa màu, cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày để cải thiện thu nhập. Làm được như vậy vì có hệ thống kênh mương nội đồng, có điện phục vụ sản xuất.
Từ vườn điều hiệu quả kinh tế thấp, ông Nguyễn Đức Tiến (ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) chuyển sang trồng thanh long. Rồi từ thanh long chính vụ, ông Tiến đầu tư làm thanh long nghịch mùa. Ông Tiến nói: “Trước đây, tôi làm thanh long chính vụ. Sau này điện lưới thuận lợi tôi đầu tư hơn 3km đường dây, 1 ngàn bóng chong đèn “ép” thanh long ra trái vụ. Trung bình mỗi vụ, tôi chong đèn 15 ngày, tốn khoảng 13-15 triệu đồng, nhưng bù lại thanh long bán được giá hơn”. Theo ông Tiến, thu nhập từ thanh long rất khá, hơn hẳn trồng cây điều, cây keo trước đây. Tuy nhiên, 2 năm nay, do dịch bệnh không xuất khẩu thanh long được nên ông chủ động giảm vụ, tập trung dưỡng cây.
Ông Hồ Tấn Huy (ngụ xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) tưới nước cho cây bắp |
Có thể thấy, hạ tầng: điện, đường, thủy lợi đã mang đến nhiều cơ hội về ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ sản xuất cho người dân, giúp các địa phương hình thành vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn như: vùng trồng dâu nuôi tằm xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) được chuyển đổi từ cánh đồng lúa; khu vực hơn 700ha thanh long xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) trước đây là cây keo, cây tràm; vùng trồng chuối cấy mô (H.Trảng Bom) được chuyển đổi từ các loại cây công nghiệp điều, tiêu, cà phê hiệu quả kinh tế thấp; vùng trồng hoa màu xã Suối Nho (H.Định Quán)…
* Hơn 99% nông dân có điện
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho rằng, là địa phương dựa vào kinh tế nông nghiệp nên hạ tầng phục vụ sản xuất được H.Cẩm Mỹ quan tâm. Hiện nay, huyện đã quy hoạch được 17 vùng sản xuất tập trung, có vùng hạ tầng cơ bản hoàn thiện, có vùng còn thiếu điện, thiếu nước nên kêu gọi đầu tư chưa hiệu quả. Tới đây, chính quyền địa phương cùng các ngành tiếp tục đầu tư hệ thống lưới điện, đường giao thông, nước sạch để triển khai hiệu quả các vùng sản xuất, hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Vĩnh Tuấn, Giám đốc Điện lực Cẩm Mỹ cho biết, để đáp ứng nhu cầu về điện cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của H.Cẩm Mỹ, hằng năm đơn vị chủ động nắm bắt nhu cầu và lên kế hoạch triển khai các công trình, dự án điện. Trong 5 năm qua, đơn vị đã đầu tư 9 dự án lớn, 53 nhánh với tổng chiều dài 63km, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về điện của địa phương. Hiện nhu cầu phụ tải khu vực phía Đông của huyện (các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray, Lâm San) tăng mạnh nên Điện lực Cẩm Mỹ cùng với Điện lực Đồng Nai, Ban Quản lý dự án lưới điện Miền Nam xây dựng mới trạm biến áp 110/22kV Xuân Đông. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 đảm bảo cấp điện lâu dài cho khu vực.
Cùng đánh giá về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Xuân Lộc Lê Anh Việt cho biết, thời gian qua, H.Xuân Lộc kêu gọi nhiều nhà đầu tư, hình thành vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung. Ngành điện đã kịp thời đầu tư hạ tầng, đáp ứng đủ điện để các trang trại thuận lợi ứng dụng mô hình chăn nuôi khép kín. Tương tự, các vùng sản xuất hàng hóa lớn cũng được hoàn chỉnh lưới điện, thủy lợi, giao thương. Hiện hơn 99% hộ gia đình ở H.Xuân Lộc dùng điện lưới quốc gia để sinh hoạt và sản xuất.
Đại diện Điện lực Xuân Lộc cho biết, đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nhằm “tiếp sức” cho nhà nông và cùng H.Xuân Lộc thực hiện mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu là mục tiêu quan trọng của Điện lực Xuân Lộc. Chỉ tính riêng công trình lưới điện trung thế, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã đầu tư hơn 21 ngàn tỷ đồng để thực hiện 9 công trình. Nhờ các công trình lưới điện mới, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, vận hành lưới điện an toàn hơn.
Ban Mai