Trong hơn 12 năm thực hiện, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước quan tâm, hưởng ứng và đã tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, xã hội.
Trong hơn 12 năm thực hiện, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng được các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng trong nước quan tâm, hưởng ứng. Đây là một trong những cuộc vận động đã tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, xã hội.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trái cây Việt tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, các DN trong nước cần chủ động đứng vững trên “đôi chân” của mình bằng quá trình đổi mới công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Qua đó, ngày càng chiếm lĩnh thị phần, nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà để người tiêu dùng trong nước quan tâm nhiều hơn, dần chuyển từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt.
* Chưa dễ khắc phục nhiều điểm yếu cố hữu
Trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh hội nhập, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn.
Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối cung - cầu, các hoạt động kết nối hàng Việt trong tỉnh nhằm hỗ trợ, liên kết các sản phẩm cần tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Đồng thời, linh hoạt các hoạt động kết nối hàng hóa, sản phẩm thế mạnh của địa phương, kích cầu tiêu dùng trong nước phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại trên nền tảng số… |
Sự phát triển đa dạng của hàng Việt góp phần làm thay đổi suy nghĩ, thói quen tiêu dùng của người dân, tạo nên diện mạo mới trên thị trường hàng hóa nội địa. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, các thương hiệu Việt tuy đã có nhiều tiến bộ về chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng vẫn còn nhiều điểm cần được khắc phục như: nguồn vốn còn hạn chế, nhiều thương hiệu non trẻ; thiếu kinh nghiệm về dự báo, tiếp cận thị trường; còn thụ động khi xử lý những rủi ro về thị trường, rủi ro về dịch bệnh như dịch Covid-19 vừa qua; nhiều sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khó khăn trong việc xây dựng giá thành, hạ giá bán sản phẩm; hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm còn yếu…
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM chia sẻ, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, các DN ở địa phương, DN nhỏ và vừa là những DN dễ bị tổn thương nhất. Lý do là các DN này có quy mô vốn nhỏ, chiến lược kinh doanh ngắn hạn, không có kế hoạch dài hạn và đặc biệt không có hoặc không quan tâm đến kế hoạch, chưa có các chính sách ứng phó với các tình huống rủi ro tiềm ẩn như biến đổi khí hậu, thị trường khủng hoảng hay đại dịch Covid-19 hiện nay.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, những tồn tại cố hữu của nhiều DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa là: thiếu tính định hướng, xây dựng chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh; số lượng DN định vị được thương hiệu chưa nhiều, vẫn còn nhiều trường hợp thờ ơ với bảo hộ thương hiệu, chưa chú trọng đổi mới công nghệ…
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, không ít DN trong nước vẫn chưa thực sự sẵn sàng tâm thế để hội nhập, còn “chậm chân” trong vấn đề nhận diện, bảo vệ thương hiệu trước tình trạng hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
* Cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ “đổ bộ” vào thị trường nội địa. Sự góp mặt của các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các DN Việt sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm được chế biến từ sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: HẢI QUÂN |
Chị Thu Hồng (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay nhiều sản phẩm trong nước có thương hiệu đều chú trọng đổi mới mẫu mã, bao bì theo hướng hiện đại, thân thiện với người dùng và ngày càng chú trọng các xu hướng “xanh hóa”, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm này nhìn chung vẫn còn khiêm tốn. Hơn thế nữa, nhiều sản phẩm Việt, nhất là các sản phẩm về thời trang, hóa mỹ phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói… có phần “hụt hơi” so với nhiều sản phẩm ngoại nhập, sản phẩm của các công ty đa quốc gia về các kênh tiếp cận người tiêu dùng, các xu hướng công nghệ, bộ sưu tập mới, cũng như nhiều người dân vẫn chưa dễ thay đổi tâm lý “sính ngoại” trong ngày một ngày hai.
Từ chỗ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đến người Việt tin dùng hàng Việt rất cần các DN trong nước không ngừng vận động, phát triển, đổi mới công nghệ, đồng thời cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương…
Ông Châu Minh Nguyện chia sẻ thêm, trên thực tế, nhiều DN dù đã xác định được chiến lược phát triển nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn để phát triển thương hiệu, đầu tư đổi mới công nghệ… Thời gian qua, các DN ở địa phương đã nỗ lực để phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhưng do tiềm lực của DN còn hạn chế nên nhiều DN trong số này cũng chỉ cố gắng được trong điều kiện, giới hạn nhất định. Do đó, để DN địa phương tiếp tục vươn lên và nâng cao sức cạnh tranh trên sân nhà thì bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN, rất cần có thêm các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19...
Hải Quân