Hiện nay, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, giá cước vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Thế nhưng, giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại quay đầu giảm mạnh.
Hiện nay, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, giá cước vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Thế nhưng, giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại quay đầu giảm mạnh.
Chuối xuất khẩu rớt giá mạnh, lo ùn ứ vì cửa khẩu Trung Quốc vẫn chưa thông thoáng. Trong ảnh: Đóng chuối tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên |
Nguyên nhân do các mặt hàng nông sản đang đối mặt với cơn khủng hoảng về đầu ra. Trong đó, có nguyên nhân tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu xuất đi Trung Quốc kéo dài suốt thời gian qua. Ở đây, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan để giải bài toán khó về đầu ra cho nông sản hiện nay.
* Nông sản đồng loạt rớt giá
Hiện hàng loạt mặt hàng trái cây tươi thường bán với giá cao do xuất khẩu tốt như: xoài, chuối, thanh long… đang rơi vào cảnh rớt giá, tồn hàng vì xuất khẩu gặp khó. Cụ thể, nông dân trồng xoài xuất khẩu đang như “ngồi trên lửa” vì giá xoài Đài Loan chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu thường đứng ở mức giá cao hiện chỉ còn 3-4 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng xoài đang lỗ nặng vì giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn cung xoài Đài Loan còn khá dồi dào, nhiều nhà vườn xoài đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa tiêu thụ được do mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, việc xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó khăn, việc tạm ngừng thông quan kéo dài khiến nguy cơ trái xoài xuất khẩu gặp cảnh tồn hàng, rớt giá.
Đây cũng là nỗi lo chung của nông dân trồng chuối xuất khẩu. Theo những doanh nghiệp (DN) đóng chuối xuất khẩu, hiện giá chuối xuất khẩu mua tại vườn của nông dân chỉ còn từ 4-5 ngàn đồng/kg, tiếp tục giảm từ 2-3 ngàn đồng/kg so với vài tuần trước đó. Khó khăn lớn nhất là chi phí vận chuyển tiếp tục thêm đợt tăng giá mới với mức tăng khá cao; xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn nhỏ giọt với quá nhiều rủi ro khiến thương lái, DN xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, nhiều vườn chuối đã đến tuổi thu hoạch nhưng không tìm được thương lái thu mua.
Xoài xuất khẩu ùn ứ tại vườn trồng vì không có thương lái thu mua do xuất khẩu gặp khó |
Không riêng mặt hàng trái cây tươi, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng đồng loạt giảm giá vì thị trường xuất khẩu gặp khó. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD trong năm 2022 để phù hợp với tình hình thực tế.
Nguyên nhân là từ cuối năm 2021 đến nay, giá nhân điều xuất khẩu liện tục giảm và dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu mặt hàng này vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Dự báo, nhiều mặt hàng khác như tiêu, cà phê… cũng sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Theo đó, giá tiêu, cà phê trong nước cũng giảm mạnh. Đặc biệt, giá tiêu nông dân bán tại vườn hiện chưa đến 79 ngàn đồng/kg, giảm gần 10 ngàn đồng/kg so với hồi đầu vụ.
* Dự báo khó khăn kéo dài
Dự báo tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (DN có vốn đầu tư của Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương) cho biết, bắt đầu từ tháng 3, xuất khẩu tiêu và nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, điều đang bị chững lại. Dự báo xuất khẩu tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sức tiêu thụ trên thị trường vẫn chậm do ảnh hưởng bởi hiệu ứng hậu Covid-19.
Mặt khác, giá xăng dầu tăng cao là yếu tố lớn gây ra tình trạng lạm phát về kinh tế. Đây là nguyên nhân mà nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu, cà phê… Vì cả DN thương mại và chế biến đều có xu hướng đồng loạt đẩy hàng thay vì tranh thủ trữ hàng như mọi năm.
Ông Lâm dẫn chứng: “Mọi năm, thời điểm rộ vụ thu hoạch, các DN đều tranh thủ thu mua nguyên liệu nên xuất khẩu vào tháng này thường tăng mạnh. Nhưng năm nay, ngay vào tháng hồ tiêu rộ vụ thu hoạch, DN nhiều nước lại giảm mạnh lượng hàng nhập, điều này thể hiện rất rõ khi từ đầu tháng 3, xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm”.
Theo một số DN xuất khẩu nông sản, khó khăn về đầu ra cho nông sản, trong đó có thị trường xuất khẩu có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Trong đó có nguyên nhân tình trạng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu Trung Quốc vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.
Trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-3 liên quan đến vấn đề ùn ứ nông sản tại cửa khẩu trong thời gian qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là câu chuyện dài hơi. Với tinh thần “tắc đâu thì phải thông đấy”, Bộ Công thương đang nỗ lực họp bàn, phối hợp với phía Trung Quốc bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn cho các hiệp hội ngành hàng, DN sản xuất nông sản thực phẩm để chính các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn về cách làm, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng của địa phương. Bộ Công thương cũng đang xây dựng đề án xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc theo chính ngạch, với những tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hàng hóa cụ thể.
Dưới góc nhìn dài hạn, Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN cho rằng: “Với thực trạng sản xuất hiện nay, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu cũng sẽ ùn ứ tại vùng nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, cần nhìn vấn đề rộng ra dưới góc nhìn cung cầu, tư duy sản xuất và tư duy thị trường. Ở đây cần tổ chức lại sản xuất để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; tổ chức lại ngành hàng đưa vào quỹ đạo thông qua hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN; việc thực hành liên minh giúp kiến giải những kiến nghị, định hướng những chiến lược chứ không thể tư duy mùa vụ nữa. Các bộ, ngành đang phối hợp để tạo ra những giải pháp đồng bộ, phân kỳ, phân cấp và có trách nhiệm rõ ràng để khắc phục căn cơ, tận gốc rễ tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, tránh lặp lại tình trạng một thời gian nữa nông sản bán chạy, chúng ta lại quên luôn những tháng ngày ùn tắc gây thiệt hại vô cùng to lớn vừa qua”. |
Bình Nguyên