Diễn đàn quốc tế cấp cao về phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững vừa được Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức. Cảnh quan nông nghiệp bền vững là xu hướng phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, bảo vệ đa dạng sinh học, chống chịu với biến đổi khí hậu, cùng lúc đạt được lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Diễn đàn quốc tế cấp cao về phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững vừa được Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức. Cảnh quan nông nghiệp bền vững là xu hướng phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, bảo vệ đa dạng sinh học, chống chịu với biến đổi khí hậu, cùng lúc đạt được lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mô hình du lịch vườn mang lại giá trị cao hơn cho sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Khách tham quan tại nhà vườn ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên |
Giám đốc Điều hành WWF toàn cầu Prasanna De Silva đánh giá cao các cam kết về đa dạng sinh học Việt Nam gần đây đã thể hiện trên các diễn đàn toàn cầu và sự kiên định trong nỗ lực đưa quốc gia phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, với nền nông nghiệp sinh thái thuận hòa với thiên nhiên.
* Hài hòa giữa kinh tế và tự nhiên
Theo WWF, cảnh quan là hệ thống sinh thái xã hội, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên hoặc do con người biến đổi và chịu ảnh hưởng của các quá trình và hoạt động riêng về mặt sinh thái, lịch sử, kinh tế và văn hóa - xã hội. Phương pháp tiếp cận cảnh quan tổng hợp cho ra đời các giải pháp quan trọng để giải quyết suy thoái, thích nghi với biến đổi khí hậu và tăng cường đa dạng sinh học, đồng thời cải thiện an ninh về lĩnh vực lương thực và dinh dưỡng… để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cùng lúc đạt được lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
WWF vừa ký thỏa thuận hợp tác với Bộ NN-PTNT trong giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, tập trung vào các nội dung phối hợp đổi mới thể chế chính sách, trong các công tác nâng cao năng lực, về truyền thông, trong việc xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, trong việc trao đổi chuyên gia với những kế hoạch rất cụ thể. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) Nguyễn Văn Tài cho biết, trong giai đoạn hiện nay, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường đang bị ảnh hưởng bởi các hoạt động phát triển kinh tế làm cảnh quan thiên nhiên bị thay đổi, các hệ sinh thái bị chia cắt, phân mảnh gây ra các hệ lụy về suy thoái đa dạng sinh học, xói mòn đất, lũ lụt, hạn hán gia tăng… Trong bối cảnh trên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở cấp cảnh quan được coi là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, cách tiếp cận cảnh quan trong quản lý và bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang là xu hướng của nhiều quốc gia phát triển nhằm giải quyết bài toán về quy hoạch và thiết kế hệ thống bảo vệ thiên nhiên.
Đồng thời, quyết định của LHQ về việc tuyên bố thập kỷ 2021-2030 là thập kỷ phục hồi sinh thái, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến đa dạng sinh học là sống hài hòa với thiên nhiên, sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam triển khai thực hiện và hướng tới quản lý bền vững cảnh quan thiên nhiên, môi trường nông thôn, nông nghiệp.
* Tăng cường hợp tác quốc tế
WWF đã có nhiều dự án bảo tồn, phát triển ứng dụng cách tiếp cận cảnh quan bền vững tại Việt Nam. Trong đó, một số mô hình có thể phát triển và nhân rộng trên toàn quốc như: các vấn đề phát triển cảnh quan bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; mô hình phát triển chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng ở Huế; mô hình nông - lâm kết hợp phục hồi và phát triển sinh kế cho người trồng rừng tại Tây Bắc; mô hình chuỗi cà phê bền vững tại Lâm Đồng... Cụ thể những mô hình đa canh như: lúa - tôm, lúa - cá, lúa - cá - vịt, mô hình lúa - sen; phát triển du lịch nông nghiệp gắn đồng sen, vườn cây ăn trái... mang lại giá trị cao hơn cho ngành Nông nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường bền vững.
Tại diễn đàn quốc tế cấp cao về phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững, đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng các chuyên gia quốc tế đã thảo luận về mục tiêu, giải pháp và bài học kinh nghiệm về quản lý cảnh quan trên từng lĩnh vực của ngành Nông nghiệp. Trong đó nhấn mạnh phương pháp tiếp cận phải thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái.
Ngoài ra, định hướng rõ cần phải chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi tư duy sản xuất từ cái đang có sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường, tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, phương pháp tiếp cận mới trong quản lý cảnh quan nông nghiệp bền vững phải đặc biệt quan tâm nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp trong tương lai, khẳng định việc trao quyền phân cấp cho người dân. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn, tập trung cấp thôn bản, ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân, phát triển cộng đồng.
WWF cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT là các bộ đang giữ vai trò chủ chốt trong việc tham mưu và thực hiện các chính sách và kế hoạch về đa dạng sinh học của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi đầy thách thức và cơ hội này. Việt Nam cần tập trung vào những thay đổi cần thiết cho khung chính sách và thực thi chính sách, đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân và bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng cho các bên liên quan, bao gồm các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN đánh giá cao vai trò đi đầu của WWF trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho con người, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, tư vấn các giải pháp và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức của quá trình phát triển quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp mà hai bên đang hợp tác rất tốt và hiệu quả. Việt Nam sẽ có một cuộc cách mạng nông nghiệp, đây là cuộc cách mạng không đánh đổi chi phí, kể cả chi phí hữu hình và vô hình, trong đó phải kể đến các chi phí đa dạng sinh học và môi trường. |
Bình Nguyên