Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó đạt mục tiêu trồng cây xanh

01:02, 15/02/2022

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai xây dựng kế hoạch trồng 20 triệu cây lâm nghiệp lâu năm gắn với đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện chương trình hiệu quả, tỉnh đã gắn mục tiêu trên với tiêu chí trồng cây xanh cho nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai xây dựng kế hoạch trồng 20 triệu cây lâm nghiệp lâu năm gắn với đề án Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện chương trình hiệu quả, tỉnh đã gắn mục tiêu trên với tiêu chí trồng cây xanh cho nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường nông thôn được trồng cây rừng lâu năm tại xã Phú Thanh, H.Tân Phú Ảnh: B.Nguyên
Tuyến đường nông thôn được trồng cây rừng lâu năm tại xã Phú Thanh, H.Tân Phú Ảnh: B.Nguyên

Ngay trong năm đầu triển khai - năm 2021, chương trình gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các địa phương vẫn nỗ lực vượt khó hoàn thành kế hoạch đề ra.

* Vượt khó đạt mục tiêu

Triển khai đề án Trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai dự kiến sẽ trồng 20 triệu cây, trong đó 15 triệu cây phân tán, 5 triệu cây trồng rừng tập trung, rừng phòng hộ. Tỷ lệ cây lâm nghiệp lâu năm cần trồng cao hơn nhiều so với kế hoạch đăng ký ban đầu của các địa phương là đến năm 2025, toàn tỉnh chỉ trồng hơn 6,6 triệu cây, cây phân tán đạt gần 70%, cây tập trung khoảng 30%.

Một yêu cầu khác của chương trình là các loại cây xanh được trồng đều là cây gỗ lâu năm như: sao, dầu… tạo mảng xanh cho các tuyến đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học… trên địa bàn xã. Kết quả, trong năm 2021, toàn tỉnh trồng được gần 1,75 triệu cây xanh, đạt 98% so với kế hoạch đề ra. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19.

Ông Ngô Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đánh giá, trong năm đầu triển khai, chương trình gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều địa phương bị chậm tiến độ triển khai so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chương trình căn bản vẫn đạt mục tiêu đề ra do được tổ chức bài bản. Cụ thể, trước khi triển khai, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan và các địa phương để có sự thống nhất cao trước khi bắt tay vào thực hiện. Lãnh đạo Sở NN-PTNT rất quan tâm đến công tác kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình triển khai của từng địa phương. Sở NN-PTNT hỗ trợ 125 ngàn cây giống lâm nghiệp miễn phí cho nhiều địa phương như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…

Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ tham gia trồng cây rừng ở H.Xuân Lộc. Ảnh: Ngô Vinh
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ tham gia trồng cây rừng ở H.Xuân Lộc. Ảnh: Ngô Vinh

Trong đó, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chương trình đóng vai trò quan trọng. Nhờ vậy, chương trình đã thu hút được sự tích cực tham gia của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình… theo hướng xã hội hóa. Phong trào thi đua trồng cây lâu năm được lan rộng từ các trường học, công ty, nhà máy đến các hộ dân, ở đâu có đất trống là cây rừng lâu năm được trồng xuống. Người dân tham gia rất tích cực, nhiều hộ dân đầu tư trồng hàng ha cây lâm nghiệp lâu năm. Kết quả huy động nguồn lực để thực hiện chương trình trong năm 2021 là gần 36,8 tỷ đồng thì vốn từ ngân sách nhà nước chỉ hơn 5 tỷ đồng, còn lại là huy động xã hội hóa và từ các nguồn khác.

* Chủ động triển khai chương trình

Cũng theo ông Ngô Văn Vinh, để thực hiện mục tiêu trồng 20 triệu cây xanh, số lượng cây trồng các địa phương phải thực hiện hằng năm tăng hơn rất nhiều so với kế hoạch trước đó. Năm 2021, các địa phương vượt khó đạt kế hoạch đề ra là do đã chủ động triển khai chương trình ngay từ đầu năm. Về mặt kỹ thuật, năm 2021, do mùa mưa kéo dài hơn mọi năm nên sau khi hết giai đoạn giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương tranh thủ tiếp tục xuống giống cây lâm nghiệp để đạt kế hoạch đề ra.

“Số liệu thống kê về cây lâm nghiệp đã trồng được trong năm 2021 dựa trên kết quả thống kê, đánh giá các cây trồng đã sống sau khi trồng nên con số rất thực chất. Điều rất quan trọng để chương trình đi vào thực chất, người dân thực sự là lực lượng quan trọng trong trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường” - ông Vinh nói.

Đạt được kết quả trên còn do các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện. Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc chia sẻ, vì có quỹ đất rừng lớn nên chỉ tiêu trồng cây lâm nghiệp huyện được giao cao hơn so với nhiều địa phương khác. Nhờ huyện chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình ngay từ đầu năm, giao trách nhiệm cụ thể cho các xã; từng xã lại phân trách nhiệm cho một số cá nhân cụ thể bám sát trong quá trình thực hiện chương trình nên vẫn đảm bảo được kế hoạch đề ra.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều