
Năm 2022, dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do sự xuất hiện của biến chủng mới. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và có thể thấp hơn năm 2021. Rủi ro tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ nông - lâm - thủy sản.
Năm 2022, dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do sự xuất hiện của biến chủng mới. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và có thể thấp hơn năm 2021. Rủi ro tiếp tục gia tăng tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ nông - lâm - thủy sản.
![]() |
Nông dân ở cánh đồng Gia Yên, xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất giảm diện tích rau để tránh rủi ro dội chợ, rớt giá. Ảnh: B.NGUYÊN |
Trước bối cảnh trên, ngành Nông nghiệp phải theo dõi sát tình hình để có giải pháp điều hành linh động, khoa học, triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.
* Bài học chủ động về nguồn cung
Thị trường bưởi Tết Nguyên đán 2022 khá ảm đạm; giá bưởi bán tại vườn ở nhiều vùng không được 10 ngàn đồng/kg, mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá thấp nhưng nhiều nhà vườn vẫn không bán được hàng vì thị trường xuất khẩu bị đình đốn, tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh so với mọi năm.
Tại hội nghị giao ban ngành Nông nghiệp Đồng Nai diễn ra mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN yêu cầu, việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản phải thực hiện từ thực tế, nông sản của địa phương không chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu mà cần coi trọng cả thị trường tiêu thụ trong nước. Địa phương phải ưu tiên tiêu thụ nông sản của địa phương. Người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền địa phương cần quyết tâm đeo bám, đánh giá đúng thực tế sản xuất để tìm ra mô hình phù hợp với địa phương, với mục tiêu tạo ra sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. |
Tuy nhiên, bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) vẫn cháy hàng từ trước Tết Nguyên đán 2022. Nguyên nhân do sản lượng bưởi Tân Triều cung cấp cho thị trường Tết giảm mạnh vì thời gian làm bưởi Tết vùng trồng bưởi này vẫn trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà vườn không có điều kiện đầu tư làm bưởi Tết.
Theo đó, dịp Tết, bưởi đường lá cam và bưởi da xanh ruột hồng Tân Triều loại nhất có thể bán được với giá từ 1-1,2 triệu đồng/chục 12 trái. Tuy mức giá này thấp hơn vụ Tết năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường bưởi Tết.
Ông Ngô Văn Sơn, chủ vườn bưởi Tân Triều tại xã Tân Bình cho biết, do giãn cách xã hội, nhà vườn không thuê được nhân công cũng như nhập các loại thuốc, phân bón làm bưởi Tết. Mọi năm, vườn bưởi của ông Sơn cung cấp ra thị trường khoảng 25-26 thiên bưởi Tết (1 thiên 1.200 trái) nhưng năm nay chỉ có vài thiên. Ông Sơn không có bưởi bán cho thương lái, lượng hàng ít ỏi còn lại ông bán lẻ cho những mối quen đã đặt hàng trước.
Bưởi Tân Triều hút hàng trong khi thị trường bưởi Tết các nơi ế ẩm do đây là đặc sản đã có thương hiệu trên thị trường, nhưng nguyên nhân chính vẫn là vì vùng bưởi đặc sản này mất mùa, nguồn cung bưởi Tết thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm của nhiều nông dân trong tính toán, điều chỉnh sản xuất phù hợp với tình hình thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Hải, nông dân trồng rau ở cánh đồng Gia Yên (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) chia sẻ, trong những tháng giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 và sau giãn cách, vườn nhà ông đổ bỏ hàng tấn rau vì không tiêu thụ được dù giá rau chỉ vài ngàn đồng/kg. Đến vụ Tết Nguyên đán 2022, nhiều nhà vườn ở đây giảm sản lượng rất nhiều so với mùa Tết mọi năm. Nhờ nguồn cung giảm mạnh nên tuần cận Tết, giá nhiều loại rau bắt đầu tăng trở lại, trong đó một số rau thơm lên đến gần 20 ngàn đồng/kg.
* Cơ cấu lại sản xuất
Dự báo trước tình hình khó khăn trong năm 2022, Sở NN-PTNT đã đề ra 10 giải pháp thực hiện để ngành Nông nghiệp vượt khó tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong đó, việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản cần phải phù hợp với trạng thái “bình thường mới” được đặc biệt quan tâm.
![]() |
Bưởi Tân Triều vẫn “cháy hàng” dịp Tết Nguyên đán 2022 vì nguồn cung giảm mạnh. Trong ảnh: Vườn bưởi của ông Ngô Văn Sơn tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu |
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, trong sản xuất, ngành Nông nghiệp quan tâm đến nhóm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các vùng sản xuất theo hướng phát triển những cây, con có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu thị trường cần và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được đặc biệt chú trọng để nông sản có đầu ra bền vững hơn trong giai đoạn thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn và bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay, trong tình hình thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh rất quan tâm thu hút chế biến sâu với các mặt hàng nông sản. Tỉnh đã quy hoạch 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản và đến nay, các cụm công nghiệp chế biến trên đều đã thực hiện xong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa các cụm công nghiệp trên đi vào hoạt động. Năm 2022, nhiệm vụ đột phá là xúc tiến thương mại điệu tử. Thời gian tới, ngành Công thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, qua đó quảng bá nông sản của tỉnh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Sở Công thương sẽ phối hợp với các tham tán thương mại ở các nước để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Bình Nguyên