Báo Đồng Nai điện tử
En

Loay hoay áp dụng chính sách giảm thuế VAT

10:02, 11/02/2022

Nhiều hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% được giảm xuống còn 8%. Chính sách này được áp dụng từ đầu tháng 2-2022 đến hết năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Nhiều hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% được giảm xuống còn 8%. Chính sách này được áp dụng từ đầu tháng 2-2022 đến hết năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đây là chính sách được đánh giá có tác động đến mọi giao dịch trên thị trường, trong đó người bán cũng như người mua đều được hưởng lợi.

Nhiều nhóm mặt hàng tại hệ thống các siêu thị cũng được áp dụng giảm thuế VAT 8%. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Mega Market Biên Hòa. Ảnh: N.Liên
Nhiều nhóm mặt hàng tại hệ thống các siêu thị cũng được áp dụng giảm thuế VAT 8%. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Mega Market Biên Hòa. Ảnh: N.Liên

Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện chính sách mới, nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải loay hoay trong việc xác định mã sản phẩm để áp dụng giảm thuế. Bởi theo quy định, không phải tất cả các mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% đều được giảm. Các cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT thì mới được áp dụng chính sách giảm thuế.

* Bối rối xác định mã hàng

Theo một số kế toán tại các công ty có số lượng hàng hóa xuất hóa đơn lớn, hiện bộ phận này đang gặp khó trong việc xác định mã sản phẩm để áp dụng chính sách thuế mới theo quy định.

Anh Nguyễn Đình Trung, kế toán một DN kinh doanh lĩnh vực hóa chất trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, công ty anh đang gặp khó khăn do ngay từ đầu Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã xác định ngành hàng của công ty anh đang hoạt động thuộc nhóm không được giảm thuế VAT. Tuy nhiên, khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành nhằm thực hiện nghị quyết nêu trên thì chỉ một số sản phẩm trong ngành hóa chất không được giảm thuế VAT xuống 8%, điều này gây hiểu nhầm cho đối tác khiến DN mất khá nhiều thời gian.

Kể từ khi áp dụng chính sách áp dụng mức thuế VAT 8% đối với các hàng hóa trong danh mục quy định, nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ các DN như: cho thuê nhà xưởng có được giảm VAT hay không, mua bán phế liệu sắt có được giảm VAT không, bán sản phẩm dây treo, vật dụng được làm từ nhựa có được giảm VAT không, hàng hóa nằm trong danh mục vẫn chịu thuế VAT 10% nhưng dịch vụ vận chuyển đi kèm được giảm thuế 8% thì xuất hóa đơn như thế nào… Điều này cho thấy, trên thực tế, việc bóc tách, rà soát để xác định các sản phẩm được giảm VAT trong cùng một ngành nghề kinh doanh khá phức tạp.

Chị Trần Thị Lan, kế toán của một DN trong lĩnh vực sản phẩm cao su cho biết, hiện DN của chị đang gặp khó khăn cho việc xác định mã sản phẩm áp dụng mức thuế vì khi xuất hóa đơn hàng hóa ở khu vực miền Nam thì được áp mức thuế 8%, nhưng nếu mỗi khu vực, vùng miền có cách xác định mã sản phẩm khác nhau, nơi thì được áp 8%, nơi giữ nguyên 10% khiến chị Lan loay hoay suốt thời gian qua. Chị Lan cho hay: “Việc không thống nhất trong cách áp dụng mã sản phẩm ảnh hưởng khá lớn đến DN đang hoạt động. Chúng tôi hy vọng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể để DN dễ tiếp cận, tra soát chính xác hơn, bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

* Cần sớm có thông tư hướng dẫn

Theo anh Trung, hiện nay mới chỉ có nghị định mà chưa có thông tư hướng dẫn nên cả DN cũng như cơ quan quản lý thuế khó có thể tiếp cận và triển khai đồng bộ để chính sách mới được áp dụng thực hiện hiệu quả. Đối với DN phát hành mỗi tháng cả ngàn hóa đơn như công ty của anh thì việc nắm bắt rõ quy định để áp dụng là rất quan trọng do ảnh hưởng đến quyền lợi của DN cũng như khách hàng.

Là bộ phận chịu trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế của Cục Thuế Đồng Nai, ông Trần Quảng Ninh, Trưởng phòng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế cho biết, mỗi ngày Cục Thuế Đồng Nai nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách giảm thuế VAT. Để hỗ trợ các DN, cá nhân xác định mã sản phẩm, Cục Thuế Đồng Nai thường xuyên cập nhật những văn bản, thông tin nhất nhất đến người nộp thuế.

Theo ông Ninh, việc xác định mức thuế VAT 8% hay 10%, DN cần chú ý một số vấn đề như: xác định được mã sản phẩm của mặt hàng công ty theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg về mã sản phẩm, theo Thông tư 65/2017/TT-BTC về mã HS xuất nhập khẩu (mã của ngành Hải quan). Nếu DN không tìm được mã sản phẩm thì tra cứu mã ngành nghề công ty theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg hoặc tra cứu mã ngành kinh tế của DN, từ đó tìm mã sản phẩm trong Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg, từ đó làm căn cứ tra cứu theo Nghị định 15.

Ông Ninh cho biết thêm: “Trường hợp không tìm được mã sản phẩm thì có thể tên sản phẩm không đúng quy ước chung, như vậy DN kiểm tra theo tên tiếng Anh để tìm mã sản phẩm”.

Theo quy định mới tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một số nhóm hàng vẫn giữ nguyên mức thuế VAT 10% gồm các nhóm sản phẩm: công nghệ thông tin (máy vi tính, máy pos, màn hình, máy chiếu, thẻ thông minh, máy quay, điện thoại di động phổ thông và thông minh…); sản phẩm điện tử nghe nhìn; nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng (máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, điều hòa,…); dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, viễn thông, bất động sản…); sản phẩm khai khoáng (than non, dầu thô, khí tự nhiên dạng hóa lỏng, quặng kim loại, đá, cát sỏi, đất sét, đá quý, kim cương, kim loại quý..); sản phẩm kim loại (nhôm, đồng, sắt…), một số mặt hàng sản xuất từ kim loại và dịch vụ sản xuất kim loại…

Ngọc Liên

Tin xem nhiều