Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa hàng hóa địa phương vào các chuỗi bán lẻ

09:02, 22/02/2022

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa địa phương, nhất là việc đưa các loại nông sản, những mặt hàng thế mạnh vào các kênh bán lẻ hiện đại sẽ giúp nâng cao lợi ích của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất...

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa địa phương, nhất là việc đưa các loại nông sản, những mặt hàng thế mạnh vào các kênh bán lẻ hiện đại sẽ giúp nâng cao lợi ích của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tham gia chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm địa phương ở gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm địa phương ở gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Tuy nhiên, thực tế những năm qua, dù các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ nhưng số lượng các sản phẩm địa phương vào được các kênh bán lẻ, chuỗi siêu thị vẫn ở mức khiêm tốn, giá trị giao dịch các sản phẩm này cũng chưa cao, phần lớn chỉ mang tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

* Có gian hàng riêng nhưng “lai rai” khách mua

Hiện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: Co.opmart Biên Hòa, Big C Đồng Nai, Big C Tân Hiệp, Lotte Mart Đồng Nai… đã bố trí các gian hàng dành riêng cho đặc sản của các địa phương trên cả nước, trong đó có các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm thế mạnh của Đồng Nai. Các gian hàng này thường được bố trí ở các quầy, kệ dễ nhìn, thậm chí có siêu thị còn bố trí ngay ở khu vực lối đi, mặt tiền gần tầm mắt của khách hàng… Nhìn chung các gian hàng này chủ yếu phát huy tính giới thiệu, quảng bá sản phẩm, còn về doanh thu vẫn ở mức khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng dù đặt ở những vị trí “bắt mắt”.

Đại diện Big C Đồng Nai cho biết, gian hàng các sản phẩm OCOP của địa phương được siêu thị bố trí ở mặt tiền, gần khu vực thanh toán nên khá thuận tiện cho khách hàng đến lựa chọn, mua sắm sản phẩm. Gian hàng này hiện có hơn 20 sản phẩm đến từ Đồng Nai của khoảng 7-8 DN trong tỉnh. Nhìn chung, sức mua tại gian hàng này vẫn chưa cao, chủ yếu các sản phẩm được trưng bày ở đây để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều DN, cơ sở sản xuất ở địa phương còn thụ động trong việc kết nối đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn. Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa bày tỏ, lúc đầu khi siêu thị mở gian hàng các sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều DN, cơ sở sản xuất ở địa phương vẫn còn dè dặt để kết nối đưa hàng vào gian hàng này. “Thậm chí, có trường hợp DN khi được siêu thị chủ động liên hệ theo kết nối của Sở Công thương nhưng khi liên hệ các DN vẫn chưa mặn mà, không có phản hồi về việc đưa hàng lên kệ của gian hàng này. Đến nay, khi gian hàng đã được bố trí chỉn chu, chuyên nghiệp, có vị trí thuận tiện gần ngay lối vào siêu thị, nhiều DN lại muốn đăng ký đưa hàng vào gian hàng này” - bà Uyên nhấn mạnh.

* Cần tính chuyện “đường dài”

Để có thể cạnh tranh và thu hút sự chú ý từ khách hàng, các thương hiệu của DN địa phương phải thực sự thay đổi cách thiết kế bao bì, chất lượng bao bì, đặc biệt là các thương hiệu hàng thực phẩm, đồ uống theo xu hướng hiện đại, đổi mới, thậm chí thể hiện được cả câu chuyện thương hiệu. Từ đó mới góp phần gia tăng hình ảnh, tạo độ phủ và củng cố vị thế thương hiệu của hàng hóa địa phương trên thị trường, nhất là đối với các kênh phân phối, bán lẻ hiện đại.

Một gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương tại Big C Đồng Nai Ảnh: HẢI QUÂN
Một gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương tại Big C Đồng Nai Ảnh: HẢI QUÂN

Bà Tuyết Mai (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, hằng tuần bà thường đến các siêu thị như: Co.opmart Biên Hòa, Big C Tân Hiệp để mua sắm thực phẩm, đồ tiêu dùng cho cả nhà. Khoảng vài năm gần đây, bà chú ý đến những sản phẩm địa phương Đồng Nai được trưng bày ở các kệ “mặt tiền” dễ nhìn hoặc khu vực gần quầy thanh toán như: bánh sữa Long Thành, hạt điều Yến Nhung, sản phẩm sen Trường Phát, các loại trái cây sấy Thuận Hương... “Cần thay đổi từ bao bì sao cho bắt mắt, hiện đại hơn. Vì nhìn chung, nhiều sản phẩm OCOP tại các siêu thị có “ngoại hình” còn đơn điệu, chưa có nhiều sáng tạo để gây ấn tượng hay thu hút khách hàng trẻ, tiềm năng” - bà Mai góp ý.

Nhiều DN, cơ sở sản xuất ở địa phương cho biết, việc đưa hàng hóa địa phương vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại chủ yếu làm tăng tính nhận diện cho sản phẩm, thương hiệu của DN, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, lượng hàng đưa vào vẫn còn khiêm tốn, doanh thu vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại muốn đạt được hiệu quả thì rất cần sự đồng bộ từ cả phía DN sản xuất, cung ứng hàng hóa và các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan. Việc này cần tính đến các kế hoạch dài hơi, đổi mới các hình thức kết nối cung - cầu để nâng tầm từ giới thiệu, quảng bá sản phẩm lên thành kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững, đạt doanh thu cao cho các sản phẩm địa phương…

Hải Quân

Tin xem nhiều