Hiện các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam đều rớt giá, thậm chí không tìm được thương lái thu mua do xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp khó khăn, nhiều mặt hàng trái cây không xuất khẩu được.
Hiện các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam như: chuối, thanh long, xoài, bưởi… đều rớt giá, thậm chí không tìm được thương lái thu mua do xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp khó khăn, thậm chí nhiều mặt hàng trái cây không xuất khẩu được.
Lãnh đạo tỉnh thăm nhà máy chế biến trái cây sấy tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên |
Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây tươi trên địa bàn Đồng Nai đang nỗ lực hoạt động vượt công suất, tiêu thụ lượng nông sản, trái cây tươi lớn nhất cho nông dân.
* Những DN “lội ngược dòng”
Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia (Khu công nghiệp Long Khánh, TP.Long Khánh) hiện có 2 nhà máy chế biến trái cây tươi ở Đồng Nai và 1 nhà máy kẹo liên kết sản xuất kẹo trái cây tại TP.HCM. Hiện sản phẩm của DN đã có mặt trên các hệ thống, siêu thị lớn trong nước như: Lotte, Vinmart, Co.opmart, Aeon, Big C… DN cũng đã xuất khẩu tốt đến hơn 20 quốc gia trên thế giới, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga hay thị trường đặc thù Trung Đông…
Bà Lương Thanh Thúy, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia cho biết, trong tháng 4-2021, khi nông dân trồng xoài Đồng Nai gặp khó khăn về đầu ra do thị trường xuất khẩu bị đình đốn vì dịch Covid-19, 750 công nhân tại 2 nhà máy chế biến của DN đã tăng ca làm việc để đưa công suất hoạt động của nhà máy vượt từ 80 tấn/ngày lên 100 tấn/ngày. Giai đoạn đó, DN đã thu mua hơn 10 ngàn tấn xoài, góp phần tiêu thụ xoài cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Thúy, DN đã rất nỗ lực thu mua nông sản địa phương dù tình hình kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nếu để hàng tồn kho nhiều quá sẽ rất rủi ro nhưng DN vẫn quyết tâm tăng sản lượng chế biến và đã vượt khó thành công.
Để đạt được kết quả trên, DN đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của chính quyền tỉnh, địa phương cũng như các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức làm việc “3 tại chỗ”, hỗ trợ cho đội ngũ lao động sớm được chích vaccine ngừa Covid-19… “Điều này càng khẳng định thêm quyết tâm của DN trong việc đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ không ngừng cải tiến, sáng tạo thêm nhiều dòng sản phẩm mới theo xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện nay từ nguồn trái cây trong nước. Dự kiến trong năm 2022, DN sẽ đầu tư mở rộng nhà máy, tăng công suất chế biến thêm gấp nhiều lần so với hiện tại” - bà Thúy nói.
Cùng quan điểm, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết, trước đây cơ sở chủ yếu kinh doanh mặt hàng trái cây tươi. Nhận thấy sản phẩm chế biến có giá trị cao lại ít rủi ro hơn nhiều so với việc xuất khẩu trái cây tươi, DN đã mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến ngay tại vùng nguyên liệu.
Hai năm qua, tuy thị trường xuất khẩu trái cây tươi gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị đình đốn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng DN vẫn giữ mức tăng trưởng tốt nhờ đầu tư được hệ thống kho lạnh lớn, chủ động hơn trong khâu bảo quản, chế biến và xuất khẩu quanh năm chứ không chỉ hoạt động theo tính thời vụ như trước. Theo ông Trương A Vùng: “Trong năm tới, DN tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến nhằm đáp ứng được các đơn hàng vào những thị trường khó tính hơn như: Canada, Hoa Kỳ...”.
* Kỳ vọng mùa xuất khẩu mới
Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản chủ lực của tỉnh vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 341,74 triệu USD, tăng 16,5% so với năm 2020; hạt tiêu đạt 61,28 triệu USD, tăng 57,67%; cao su đạt 129,29 triệu USD, tăng 65,12%... Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2021 đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2020.
Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, năm 2021, xuất khẩu nông sản là điểm sáng của ngành Nông nghiệp. Hiện Đồng Nai đang xuất khẩu nông sản tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nga, Hàn Quốc, Trung Đông... Năm 2022, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là nông sản chế biến còn rất lớn. Sở NN-PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành với DN trong mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh trong giai đoạn tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi khẳng định, tuy là tỉnh công nghiệp nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt cao, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, các mặt hàng hạt điều, cà phê, hạt tiêu, rau quả, trái cây chế biến là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh của tỉnh.
Đồng Nai hiện có 50 DN chế biến nông - lâm - thủy sản, có công nghệ và thiết bị chế biến mang tầm của khu vực như: công nghiệp chế biến hạt điều, cà phê hòa tan, rau quả sấy. Như vậy, nông dân Đồng Nai sẽ thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ nông sản, là dấu mốc ghi nhận sự nỗ lực của bà con nông dân, nhất là cộng đồng DN. Trong tương lai gần, nông sản Đồng Nai sẽ có đầu ra ổn định hơn.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, nhiều cây trồng của tỉnh, nhất là cây ăn trái, đã đạt năng suất ở mức cao. Vấn đề là gắn năng suất này với xuất khẩu, với chế biến, với thương hiệu để sản phẩm trái cây tăng giá trị, có đầu ra ổn định. 100 tấn trái cây chế biến tương đương tiêu thụ được cả ngàn tấn trái cây tươi. Trong giai đoạn thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chế biến là giải pháp tiêu thụ nông sản hiệu quả. Tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thu hút đầu tư chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản, đầu ra nông sản cũng bền vững hơn. |
Bình Nguyên