Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển doanh nghiệp xã hội - nhìn từ đại dịch Covid-19

02:01, 08/01/2022

Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ nền kinh tế - xã hội trong suốt 2 năm qua. Bối cảnh đó càng làm nổi rõ hơn vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) đối với cộng đồng và xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn toàn bộ nền kinh tế - xã hội trong suốt 2 năm qua. Bối cảnh đó càng làm nổi rõ hơn vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) đối với cộng đồng và xã hội.

Nhiều năm qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai luôn duy trì nguồn quỹ để trao vốn vay không lãi suất cho người dân trên địa bàn tỉnh
Nhiều năm qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai luôn duy trì nguồn quỹ để trao vốn vay không lãi suất cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.Gia

Cùng với xu thế phát triển bền vững, ngày càng có nhiều DN quan tâm đến trách nhiệm đối với xã hội. Xu thế phát triển DN định hướng xã hội đang ngày càng rõ nét và cần được tạo dựng môi trường bền vững để phát triển.

* Trong khó khăn, có DN gánh vác

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tốc độ lây lan nhanh, số ca F0 tăng, nhiều địa phương, khu vực trên địa bàn Đồng Nai bị phong tỏa để cách ly y tế, giãn cách xã hội, nhiều người dân không thể đi lại, người lao động mất việc làm. Ở thời điểm này, bên cạnh việc nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN trong và ngoài tỉnh vẫn tích cực chung tay chăm lo sức khỏe, đời sống cho người dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Từ các DN tư nhân lớn trên địa bàn, các tổng công ty nhà nước đến các nhà đầu tư nước ngoài đều hưởng ứng các chương trình vận động của Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Các DN trên địa bàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cùng triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Quầy hàng nhân ái; Tiếp sức tuyến đầu gửi trọn niềm tin; động viên tinh thần đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và chiến sĩ lực lượng vũ trang; ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19; trao tặng, ủng hộ bình oxy cho chương trình ATM - Oxy; Túi thuốc an sinh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện và các bệnh viện dã chiến…

Những hoạt động thiết thực trên cho thấy, dù trong bối cảnh liên tiếp nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động của các DN bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút, phải “gồng mình” để giải quyết lương, phụ cấp hỗ trợ người lao động…, nhưng các DN vẫn luôn hướng về cộng đồng và luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà địa phương đang gặp phải.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đại dịch đã cho thấy trách nhiệm của cộng đồng DN. Các DN hết sức ủng hộ và chống dịch ngay tại cơ sở của mình. Họ tham gia cùng Nhà nước, chính quyền, đóng góp của cải vật chất và công sức để cùng nhau chống dịch. Đó là cơ sở để Đồng Nai phát huy sức mạnh tập thể, từng bước kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh.

* Xu hướng phát triển DN xã hội

Theo bà Trần Vũ Ngân Giang, Phó giám đốc khu vực Mê Kông, Hiệp hội Cải thiện xã hội và chuyển đổi bền vững châu Á (ASSIST Asia), có nhiều động cơ thúc đẩy DN thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, lợi ích kinh tế, uy tín với khách hàng, giảm rủi ro và dễ phục hồi sau khủng hoảng… Bên cạnh đó, cũng có những DN thực hiện trách nhiệm xã hội xuất phát từ giá trị bên trong như: truyền thống, đạo đức, mối quan hệ với nhân viên... Dù xuất phát từ động lực nào thì việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng mang lại giá trị cho cả DN và xã hội.

Cũng theo bà Giang, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều DN nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu và rộng vào sân chơi quốc tế, các DN cần đánh giá lại những chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của DN) để bắt kịp với yêu cầu của khách hàng, thu hút nhà đầu tư và mở rộng kinh doanh. Khi đó, trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần là từ thiện mà là một công cụ tạo ra giá trị chung cho DN và xã hội. Để thúc đẩy chiến lược này, các DN nhỏ và vừa, các DN có thể vận động chính sách thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển bền vững về quyền con người, môi trường, xã hội.

Đối với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, theo ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh, những năm qua, trách nhiệm xã hội của các DN tại Đồng Nai đang từng bước được phát huy tốt, từ những đơn vị kinh tế lớn, quy mô hàng ngàn tỷ đồng doanh thu đến các DN cỡ vừa và nhỏ.

Ông Linh cho rằng, bản chất của mỗi DN là tạo ra giá trị cho xã hội, phần lợi nhuận chính là phần thưởng mà xã hội trao tặng lại cho DN. Chính vì vậy, những phần lợi ích, giá trị mà DN được hưởng cũng cần có sự chia sẻ với cộng đồng, từ cán bộ, công nhân viên nhà máy đến người tiêu dùng và cả các đối tác với DN. Những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai luôn duy trì nguồn quỹ của CLB Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên để giúp đỡ vốn không lãi suất thường kỳ cho người dân trên địa bàn tỉnh. Các doanh nhân trong Hội cũng thường xuyên có các chương trình thiện nguyện, đồng hành với địa phương để giúp đỡ người dân khó khăn… Tuy nhiên, thiện nguyện mới chỉ là một phần yếu tố xã hội của DN. Điều quan trọng nhất là vẫn phải tạo ra được môi trường kinh doanh để các thành phần tham gia vào đều được hưởng lợi.

Không chỉ các DN đã phát triển ổn định nhiều năm mà có những chủ DN, cơ sở sản xuất khởi nghiệp cũng đã ý thức được vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Một trong số đó là chị Lê Thị Cẩm Vân, chủ dự án nhang sạch Vân Hương. Đây là dự án được đánh giá cao và đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2021. Chị Vân chia sẻ, chị rất ấn tượng với những người trẻ khởi nghiệp, nhất là những dự án trong team sản xuất của Tony buổi sáng, một nhóm DN xã hội ở khắp các tỉnh, thành với những hiệu quả trong sản xuất và giá trị mang lại cho cộng đồng. Trong tương lai, DN của chị Vân sẽ phát triển và định hướng trở thành DN xã hội; hằng tháng, hằng quý đều có cam kết trích phần lợi nhuận thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển cộng đồng.      

Văn Gia

 

Tin xem nhiều