Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai đang bước vào một thời kỳ mới với những chiến lược, mục tiêu cụ thể được nêu ra tại Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa đề ra.
Với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai đang bước vào một thời kỳ mới với những chiến lược, mục tiêu cụ thể được nêu ra tại Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa đề ra.
Du lịch sinh thái vườn phát triển khá mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn mang tính chất manh mún, chưa đồng bộ. Trong ảnh: Khách tham quan vườn dâu tại H.Xuân Lộc, một điểm đến do người dân tận dụng khai thác. Ảnh: N.LIÊN |
Mục tiêu của nghị quyết nhằm tạo ra một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp ở các địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán và TP.Long Khánh... Trong đó có một số khu du lịch lớn, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Đồng Nai trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ.
* Khắc phục những tồn tại
Theo đánh giá của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua, du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến khá tích cực. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và thu hút một số dự án đầu tư du lịch trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy du lịch phát triển. Hoạt động du lịch đã giải quyết việc làm cho khoảng 11 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển... Đặc biệt, những năm 2016-2020 trở lại đây, lượt khách du lịch, doanh thu dịch vụ du lịch luôn tăng mỗi năm. Tăng trưởng bình quân doanh thu dịch vụ du lịch đạt 9,6%/năm; khách lưu trú đạt 263 ngàn lượt người, thời gian lưu trú trung bình 1-4 ngày/khách.
Ông LÊ KIM BẰNG, Giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, thực hiện tinh thần Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở VH-TTDL đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nhằm hiện thực hóa những nội dung trong nghị quyết đã đề ra. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu nghị quyết như: đến năm 2025, Đồng Nai đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, chi tiêu bình quân mỗi du khách khoảng 800 ngàn đồng/ngày/người; 100% người lao động làm việc tại các cơ sở du lịch và cán bộ quản lý nhà nước và du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề; khoảng 16 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp được giải quyết việc làm trong ngành Du lịch; đến năm 2030 phấn đấu đón được khoảng 9 triệu lượt khách, chi tiêu bình quân mỗi khách du lịch lên 1,1 triệu đồng/người/ngày và khoảng 34 ngàn lao động được giải quyết việc làm trong lĩnh vực du lịch. |
Dù có những nỗ lực nhưng du lịch Đồng Nai phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương, cần phải được khắc phục và phát huy. Tại một số địa phương có tiềm năng du lịch như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán..., du lịch vẫn chưa mang lại những lợi ích, giá trị kinh tế cho người dân địa phương đúng như những tiềm năng sẵn có.
Tại buổi làm việc của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trong chuyến khảo sát tại các địa phương gần đây, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương đã chia sẻ, Vĩnh Cửu là địa phương có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ, cùng với những di tích lịch sử có ý nghĩa truyền thống cách mạng sâu sắc. Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu còn có những sản phẩm nông nghiệp đặc sản và là huyện nông thôn mới với nhiều cảnh quan nông thôn được tôn tạo, gìn giữ và phát huy tốt những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, thời gian qua, những dự án du lịch trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng… nên việc khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế. Công tác kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch địa phương còn nhiều khó khăn do vướng các thủ tục về pháp lý. Do đó, huyện vừa có những đề xuất lên lãnh đạo tỉnh có hướng tháo gỡ để tạo điều kiện cho địa phương phát triển và kêu gọi đầu tư du lịch thuận lợi, nhằm khai thác hiệu quả nhất những thế mạnh còn tiềm ẩn thời gian qua.
Cũng như Vĩnh Cửu, một số địa phương như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh... vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp. Việc triển khai một số dự án trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về quy hoạch, đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng nên việc huy động các nguồn lực vốn ngoài nhà nước để phát triển du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch tại các địa phương nhìn chung còn thiếu tính hấp dẫn, đặc biệt là các dịch vụ bổ trợ, sản phẩm khai thác từ lợi thế về tài nguyên (rừng, sông, hồ, núi...) chưa được đầu tư đúng mức. Nguồn nhân lực du lịch còn nhiều mặt hạn chế, việc tổ chức các hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu tính liên kết. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, các loại hình du lịch sinh thái vườn, các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại địa phương chưa tạo thành chuỗi liên kết bền vững.
* Đa dạng sản phẩm du lịch
Để khai thác hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực, tạo sự đột phá trong phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thời gian tới, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cho rằng, Đồng Nai cần có những giải pháp hiệu quả nhất để phát huy tối đa những giá trị của từng địa phương như: thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; rà soát các vị trí có tiềm năng lớn phát triển du lịch, thương mại tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn tới để làm cơ sở mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo minh bạch, chọn nhà đầu tư, dự án, có ý tưởng tốt nhất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch. Quy hoạch du lịch được tích hợp đảm bảo hài hòa, không xung đột với các lĩnh vực khác như: phát triển công nghiệp, hệ thống cảng…
Du lịch sinh thái rừng có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác xứng tầm. Trong ảnh: Khách tham quan tại Vườn quốc gia Cát Tiên |
Ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết, Tân Phú là vùng đất hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch sinh thái như: rừng, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc… Để du lịch địa phương phát triển, thời gian qua, huyện đã có nhiều chiến lược để tạo thương hiệu riêng cho du lịch địa phương với những sản phẩm du lịch nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, Hồ Đa Tôn. Tuy nhiên, mức độ khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch của địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, công tác quy hoạch cho phát triển du lịch dù đã được định hướng, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy hoạch sử dụng đất cho cho các điểm đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, chưa xây dựng đề án quy hoạch phát triển du lịch tổng thể của huyện. Do đó, nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vừa được tỉnh ban hành sẽ là yếu tố quan trọng tạo cơ hội cho du lịch Tân Phú có thể phát triển một cách bài bản, có sự đầu tư, nâng cấp cả về hạ tầng lẫn nguồn nhân sự, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, có giá trị bền vững…
Cùng với những giải pháp về phát triển hạ tầng, kết nối các sản phẩm, dịch vụ liên vùng, Đồng Nai còn xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở lợi thế của tỉnh gồm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch phụ trợ như: du lịch ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, mua sắm cùng với sự gắn kết các sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với các điểm du lịch… cũng được quan tâm, kết nối vừa tạo sự đa dạng vừa là kênh tiêu thụ quảng bá thương hiệu nông sản địa phương.
Ngọc Liên