Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp "đau đầu" vì chi phí logistics

09:01, 25/01/2022

Từ cuối năm 2020 đến nay, chi phí logistics liên tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lo lắng vì giá thành sản phẩm bị đội lên cao, trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng tương ứng. Hiện chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tăng từ 4-15 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Từ cuối năm 2020 đến nay, chi phí logistics liên tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất lo lắng vì giá thành sản phẩm bị đội lên cao, trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng tương ứng. Hiện chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tăng từ 4-15 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: Hương Giang
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: Hương Giang

Hiện chi phí logistics vẫn chưa có dấu hiệu giảm vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới tăng. Các DN buộc phải cắt giảm một số chi phí khác trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm vẫn bị đẩy lên, giá bán hàng hóa chỉ tăng nhẹ, lợi nhuận của DN ngày càng bị thu hẹp.

* Tăng liên tục

Đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn cho hoạt động của ngành vận chuyển toàn cầu và khiến cho việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ bị trì trệ, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các DN. Trong lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu trên thế giới có gần 90% được vận chuyển bằng đường biển. Chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng nhiều đến phục hồi nền kinh tế Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Đồng Nai có sản xuất công nghiệp lớn nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu rất lớn và hầu hết DN đều đang chịu tác động từ việc chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Giá vận chuyển hàng hóa gần 2 năm qua liên tục tăng khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì tất cả chi phí đều được cộng vào giá thành của sản phẩm. Hiện nay, phí vận chuyển đi châu Âu, Hoa Kỳ tăng gấp hơn 10 lần so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng giá bán hàng chỉ tăng nhẹ. Vì thế, công ty tính toán lại tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí để bù lại”.

Bên cạnh chi phí logistics tăng thì thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài thêm 1,5-2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Các DN xây dựng lại toàn bộ kế hoạch sản xuất ngắn hạn, trung hạn cho phù hợp với tình hình thực tế. Hầu hết DN đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng thêm. Đơn cử như trước đây, DN vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Hoa Kỳ mất từ 30-35 ngày, nhưng hiện tăng lên 45-60 ngày.

Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất linh kiện máy móc, thiết bị y tế xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhưng 2 thị trường chính là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Từ giữa năm 2020 đến nay, giá vận chuyển hàng hóa tăng rất cao, có những thời điểm công ty phải chấp nhận trả chi phí logistics tăng gấp 15 lần để đưa hàng hóa sang Hoa Kỳ và một số nước châu Âu cho kịp thời hạn”.

Cũng theo ông Wu Ming Ying, do chi phí vận chuyển hàng hóa cao và thời gian vận chuyển kéo dài, công ty giảm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, mở rộng những thị trường xuất khẩu ở gần để bù lại.

* Tắc nghẽn vận chuyển còn tiếp diễn

Theo dự báo của LHQ, giá vận chuyển lên cao, thời gian vận chuyển kéo dài sẽ đe dọa đà phục hồi kinh tế của toàn cầu. Với giá vận chuyển như hiện tại sẽ đẩy giá nhập khẩu trên thế giới tăng 11%, giá tiêu dùng tăng 1,5% cho đến năm 2023. Vì thế, dự báo GDP năm 2022 của nhiều nước lớn trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại và thấp hơn năm 2021. Việc tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa sẽ còn tiếp diễn và chưa có hồi kết.

Nhiều DN hy vọng, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, các quốc gia mở cửa trở lại bình thường thì chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ giảm. Thực tế hiện nay, tình trạng hàng hóa tắc nghẽn tại nhiều cảng vẫn tiếp tục diễn ra, khiến nhiều hãng tàu thiếu container.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nếu giá vận chuyển và thời gian vận chuyển kéo dài sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều DN của Việt Nam cũng như Hoa Kỳ”. 

Đồng Nai là nơi có xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Hoa Kỳ, châu Âu khá lớn. Do đó, các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi tình trạng trên chưa được tháo gỡ. Đặc biệt là những DN sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng như: sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị. Tuy phía các cảng ở Việt Nam đã được khơi thông, nhưng tại nhiều nước tình trạng hàng nằm lâu tại các cảng vẫn diễn ra. Hàng hóa bị ách tắc tại cảng, chi phí cho logistics của DN tiếp tục bị đẩy lên cao, đồng thời DN còn phải đối mặt với việc hàng hóa không giao đúng thời hạn cho đối tác.

Hương Giang

Tin xem nhiều
thuê xe nâng giá rẻCửa hàng Bếp từ tại Vĩnh Phúc Dịch vụ order Taobao tại Cbay Logistics Bảng giá vận chuyển quốc tế mới nhất 2024