Diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai đã và đang được lấp đầy. Tỉnh cũng được Chính phủ đồng ý cho thành lập các KCN mới để thúc đẩy thu hút đầu tư trong tương lai.
Diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai đã và đang được lấp đầy. Tỉnh cũng được Chính phủ đồng ý cho thành lập các KCN mới để thúc đẩy thu hút đầu tư trong tương lai.
Khu vực đang chờ giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành. Ảnh: V.Gia |
Tuy nhiên, đối với các KCN đang chuẩn bị được thành lập mới thì vẫn còn những vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng cần sớm được tháo gỡ.
* Chuẩn bị thêm dư địa cho phát triển KCN
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, số khu KCN đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 40 khu, tổng diện tích 18.848ha. Trong đó, KCN Biên Hòa 1 diện tích 335ha đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Khi Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ được phê duyệt thì Đồng Nai còn 39 KCN, tổng diện tích là 18.513 ha.
Đến nay, đã có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 10.270,19ha, trong đó 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng (KCN Công nghệ cao Long Thành). Các KCN Đồng Nai đã cho thuê được 5.938ha, đạt 84,43 % diện tích đất công nghiệp (hơn 7 ngàn ha).
Trong quá trình phát triển KCN, gần đây Đồng Nai nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với việc xây dựng các KCN công nghệ cao. Đơn cử như Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang triển khai xây dựng KCN Công nghệ cao Long Thành với tổng diện tích hơn 400ha, vốn đầu tư hơn 280 triệu USD. KCN có vị trí đắc địa khi nằm trong vùng trung tâm của đô thị Long Thành và sẽ ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch.
Không chỉ KCN Công nghệ cao Amata mà Đồng Nai cũng là điểm đến của các đơn vị khác mong muốn đầu tư vào hạ tầng công nghiệp thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Dự án Khu công nghệ cao Việt - Hàn (Techno Park) do Công ty CP Liên doanh Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc đề xuất đầu tư với số vốn đăng ký 150 triệu USD, tổng diện tích khoảng 300ha. Đơn vị này lựa chọn Long Thành làm nơi khảo sát để đầu tư và dự kiến Techno Park sẽ thu hút được từ 2-3 tỷ USD vốn đầu tư trong khoảng thời gian từ 6-9 năm sau khi đi vào hoạt động.
Mới đây nhất, trong năm 2021, Tập đoàn Sovico cũng đề xuất với tỉnh để tìm hiểu đầu tư xây dựng một KCN chuyên ngành về hàng không. Sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm về hàng không của nước ta. Để hỗ trợ và thu hút các DN, tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất cung ứng linh kiện máy bay đến đầu tư, Sovico mong muốn được tỉnh giới thiệu, tạo quỹ đất lớn cho tập đoàn xây dựng một KCN chuyên ngành hàng không đầu tiên của Việt Nam. Theo Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Tập đoàn Sovico Nguyễn Thanh Hùng, tiềm năng về phát triển vận tải hàng không ở Việt Nam là rất lớn nên việc đón đầu cơ hội đầu tư cũng như chuẩn bị sẵn quỹ đất phát triển là điều rất cần thiết.
* Đề xuất giải pháp để sớm hoàn thành các KCN mới
Khi làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu và có mong muốn đầu tư phát triển KCN Công nghệ cao ở Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án. Dù chưa có khu công nghệ cao chuyên biệt như TP.HCM nhưng với định hướng nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tỉnh đã và đang hướng tới thu hút đầu tư và hình thành các dự án công nghệ cao.
Để có thể thúc đẩy sớm hình thành các KCN đã được phê duyệt và thúc đẩy thu hút đầu tư công nghệ cao vào Đồng Nai, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, trên thực tế Đồng Nai vẫn chưa có khu công nghệ cao như Hà Nội, TP.HCM nhưng đã ý thức được việc thu hút đầu tư nên đã thành lập KCN Công nghệ cao Long Thành, hiện đang trong quá trình thu hồi đất, trong tương lai dự kiến sẽ có thêm các KCN công nghệ cao mới. Để thúc đẩy đầu tư, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ xem xét có cơ chế cho KCN công nghệ cao được hưởng ưu đãi như khu công nghệ cao để thu hút đầu tư đúng tính chất của KCN như mong muốn của địa phương cũng như nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện tại các KCN ở Đồng Nai đã lấp đầy trên 84% đất cho thuê. Quỹ đất bố trí cho phát triển KCN tại Đồng Nai hiện chủ yếu từ đất cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý. Một số dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN tại tỉnh Đồng Nai đang xin chủ trương chấp thuận đầu tư gặp vướng mắc trong vấn đề xác định đất trồng cao su thì xử lý như thế nào, có thuộc trường hợp phải sắp xếp lại, xử lý tài sản công/đấu giá quyền sử dụng đất/đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hay không cũng là vấn đề làm chậm quá trình hình thành, phát triển KCN. Do vậy, Đồng Nai mong muốn Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan xem xét, có ý kiến chỉ đạo để các KCN Đồng Nai sớm được thành lập, bổ sung quỹ đất cho phát triển công nghiệp.
Văn Gia