Khoảng 5 năm nay, các DN trên lĩnh vực công nghiệp rất chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, từng bước chuyển đổi số. Đây cũng là giải pháp giúp DN trụ vững, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong đại dịch Covid-19.
Khoảng 5 năm nay, các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực công nghiệp tại Đồng Nai rất chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, từng bước tham gia vào chuyển đổi số. Đây cũng là giải pháp giúp DN trụ vững, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong đại dịch Covid-19.
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất các sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: H.GIANG |
BÀI 1: Ứng dụng công nghệ để “trụ vững” trong đại dịch
Hiện tại, khoảng 70-80% sản lượng hàng công nghiệp sản xuất ở Đồng Nai được xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Xu hướng chung của khách hàng trên thế giới là đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã, do đó các DN buộc phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 của tỉnh trong gần 50 mặt hàng nhập khẩu chính. Trong 10 tháng của năm 2021, các DN đã chi hơn 1,34 tỷ USD để nhập khẩu máy móc thiết bị mới phục vụ cho dây chuyền sản xuất tại nhà máy, những máy móc thiết bị nhập khẩu về phục vụ sản xuất hầu hết có công nghệ hiện đại.
* Đầu tư mạnh vào công nghệ
Để trụ vững và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mua máy móc thiết bị hiện đại, đưa ra những sản phẩm có mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên thế giới. Theo đó, nhiều nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0 ra đời, giúp DN giảm được áp lực về thiếu lao động, có thể nhận được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn và hoàn thành trong thời gian ngắn. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, những DN ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất sẽ duy trì hoạt động hiệu quả hơn.
Tập đoàn Bosch là một trong các đơn vị đi đầu ở Đồng Nai trong ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hiện chuyển đổi số. Ông Guru Malllokarjuna, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho biết: “Bosch hiện đã ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy ở Đồng Nai để sản xuất linh kiện cho các hãng ô tô. Mục tiêu của Bosch là đưa ra thị trường dòng sản phẩm có chất lượng cao theo đúng yêu cầu của các đối tác. Công nghệ 4.0 đã giúp cho Bosch phát triển, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong kỷ nguyên số hóa”.
Khoảng 4 năm gần đây, nhiều tập đoàn, DN khác trên địa bàn tỉnh cũng “chạy đua” trong chuyển đổi số, vì đây là xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp trên toàn cầu. Nếu chậm trễ DN sẽ bị tụt hậu, đồng nghĩa với việc sẽ mất đi khách hàng, thị trường và giảm khả năng cạnh tranh, nhất là trong đại dịch Covid-19.
Nhiều tập đoàn đi đầu trong ứng dụng công nghệ và từng bước tham gia vào chuyển đổi số để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu như: Bosch, Nestlé, Schaeffler, Hyosung, Meggitt, Ajinomoto, Hansol Technics, Oji Paper, Intops, Fujitsu, Lixil... Trong đó, Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại vòng bi lớn nhỏ cho robot, các loại máy công nghiệp, nông nghiệp, ô tô; Công ty TNHH Meggitt Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chuyên sản xuất các loại động cơ, linh kiện cho hãng sản xuất máy bay nổi tiếng thế giới là Airbus và Boeing; Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) chuyên sản xuất các linh kiện điện tử xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu; Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại sợi để xuất khẩu và trở thành nhà cung cấp sợi hàng đầu thế giới… Cũng theo những DN trên, nếu không đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất rất khó cạnh tranh.
Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam chia sẻ: “Năm 2007, Hyosung đầu tư vào Đồng Nai và rất chú trọng trong việc ứng dụng các loại máy móc tiên tiến vào sản xuất để tự động hóa nhiều khâu, giảm lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất nên đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, Hyosung vẫn duy trì được sản xuất và các đơn hàng với đối tác”.
* “Cứu cánh” trong đại dịch
Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các DN trên thế giới, giao thương giữa các nước bị hạn chế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt đoạn trong một thời gian. Để khơi thông, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số. Đặc biệt, trong làn sóng dịch lần thứ tư kéo dài gần 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9-2021) khiến nhiều DN tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số trở thành “cứu cánh” cho nhiều DN ở Đồng Nai. Trong thời gian giãn cách xã hội, hàng ngàn DN đã tổ chức cho một số bộ phận làm việc từ xa. Nhiều chủ đầu tư nước ngoài đã điều hành nhà máy sản xuất từ xa. Bên cạnh đó, việc đi lại khó khăn, các đối tác cũng liên hệ trao đổi trực tuyến để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng.
Ông Ngô Hoàng Hồ, Giám đốc Khối tổng vụ - kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam Nok (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất thiết bị cho các loại động cơ, sản phẩm làm ra hơn 60% xuất khẩu. Các dây chuyền sản xuất của công ty đều được ứng dụng máy móc hiện đại, đảm bảo 5K cho người lao động nên công ty vẫn duy trì sản xuất”.
Hiện nay, Việt Nam là nước tham gia vào hội nhập sâu, nhanh với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực. Nhiều DN ở Việt Nam đã nhanh chân tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến nền sản xuất xanh để theo kịp nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của các nước phát triển. Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước, gần 80% sản phẩm làm ra xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, do đó các DN muốn giữ chân khách hàng và mở rộng thị phần đều rất chú trọng đến thay đổi quy trình, công nghệ.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) chia sẻ: “Thaco là một trong những DN Việt dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Vì DN muốn sản phẩm làm ra bán được cho người tiêu dùng thì phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, chuyển đổi số sẽ giúp DN đáp ứng các yêu cầu trên của khách hàng. Thaco đạt được những thành công là do sớm có lộ trình tự động hóa dây chuyền sản xuất ở các nhà máy, từng bước thay đổi công nghệ, quản trị để tiến hành chuyển đổi số”.
Đơn cử, trong các khu công nghiệp của Đồng Nai có 1.714 dự án đang hoạt động, trong thời gian giãn cách xã hội có gần 1,2 ngàn dự án vẫn duy trì được sản xuất là do nhiều DN đã đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động. Trong hơn 1 tháng qua, các DN đã khôi phục sản xuất trên 95%, nhanh hơn dự tính của nhiều khách hàng cũng là nhờ vào việc ứng dụng công nghệ, kịp thời thích ứng với tình hình mới…
Hương Giang
Bài 2: Cần nguồn vốn lớn và nhân lực chất lượng cao