Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đang từng bước khôi phục và ổn định lại sản xuất, kinh doanh. Tuy đơn đặt hàng không thiếu, nhưng DN vẫn phải đối mặt với khó khăn phát sinh từng ngày nên phải linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất.
Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đang từng bước khôi phục và ổn định lại sản xuất, kinh doanh. Tuy đơn đặt hàng không thiếu, nhưng DN vẫn phải đối mặt với khó khăn phát sinh từng ngày nên phải linh hoạt trong quản lý, điều hành sản xuất.
Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: K.MINH |
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các DN trong KCN phục hồi sản xuất được khoảng 99%, nhưng do tình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều nhà máy vẫn phải duy trì cùng lúc các phương án “3 tại chỗ”, đi về hằng ngày để ổn định sản xuất, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng.
* Vẫn lo về dịch bệnh
Tốc độ phục hồi sản xuất của các DN trong KCN trên địa bàn tỉnh khá nhanh, vì sau khoảng 2 tháng, đã có 1.685/1.705 dự án đã trở lại sản xuất và số lao động trở lại làm việc cũng đạt hơn 88%. Đây chính là nỗ lực lớn của các DN để giữ và nhận thêm các đơn hàng ở thị trường trong nước, xuất khẩu nhằm tăng doanh thu, bù lại 4 tháng phải thu hẹp sản xuất do dịch bệnh Covid-19. DN phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm, Chính phủ, tỉnh giảm gánh nặng trong chăm lo đời sống cho công nhân.
Gần đây, nhiều DN lo lắng tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, một số quy định bất cập trong hưởng trợ cấp với những ca F0. Cụ thể, theo quy định trường hợp F0 sẽ được hưởng trợ cấp nhưng muốn được thanh toán, buộc phải có kết quả xét nghiệm của bệnh viện, trung tâm y tế. Để có giấy xác nhận, nhiều người lao động sau khi tự xét nghiệm nhanh thấy bị dương tính với SARS-CoV-2 đã trực tiếp đến bệnh viện, trung tâm y tế xét nghiệm lại. Quá trình đi lại, chờ xét nghiệm của những người nhiễm bệnh sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm lớn trong cộng đồng và các nhà máy. |
Tuy vậy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng khiến DN vẫn “căng như dây đàn”, vì lo lắng không đảm bảo nhân lực cho sản xuất. Do đó, DN ngập ngừng nhận thêm các đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm tới.
Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho biết: “Sau khi người lao động được tiêm vaccine ngừa Covid-19 và UBND tỉnh cho phép thực hiện phương án đi, về hằng ngày, công ty đã áp dụng. Tuy nhiên, lao động đi, về hằng ngày không đảm bảo được việc phòng, chống dịch nên xuất hiện một số ca nhiễm bệnh. Do đó, công ty đã thực hiện lại phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo sức khỏe, sản xuất không bị gián đoạn”.
Hiện nay, nhiều DN vẫn còn nhiều khó khăn vì dịch bệnh đang tiếp tục đẩy giá nguyên liệu, công vận chuyển hàng hóa tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng. Công vận chuyển nhiều mặt hàng cao hơn cả giá trị của sản phẩm và nếu đại dịch Covid-19 trên toàn cầu không được khống chế, DN vẫn đối mặt với nhiều rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty có rất nhiều đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, song vẫn bất an và không dám nhận quá nhiều vì lo không có đủ công nhân để làm việc, tuyển mới lao động hiện rất khó khăn. Dù công ty áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nguy cơ vẫn luôn rình rập, nếu xảy ra nhiều ca F0 sẽ khó duy trì được sản xuất”. Cũng theo ông Tân, chi phí cho sản xuất rất cao, DN phải tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho lao động để kịp thời phát hiện các ca nhiễm bệnh nhằm ngăn chặn dịch lây lan vào trong các nhà máy.
* Tính toán lại sản xuất
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận “sống chung” với dịch bệnh và đã mở cửa trở lại để phát triển kinh tế. Các thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó có nhiều thay đổi nên DN tính toán lại kế hoạch sản xuất cho ngắn hạn, dài hạn theo xu hướng tinh gọn, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm bớt rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận nghiệp vụ Công ty TNHH Kureha Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho hay: “Kureha chuyên sản xuất mặt hàng xúc xích xuất khẩu nên trong thời gian diễn ra dịch bệnh đơn hàng vẫn khá nhiều, nhưng lại luôn phải lo thiếu lao động. Công ty đang tính toán lại để tối ưu hóa các khâu sản xuất, ứng dụng thêm máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất để khi có biến động vẫn duy trì được công suất đáp ứng kịp các đơn hàng”.
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong tháng 11-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng doanh thu của các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng khá.
Theo ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, DN phục hồi sản xuất nhanh vì có nhiều đơn hàng, công nhân được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên xuất hiện ca F0 thì triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính để DN sớm ổn định hoạt động. Tuy nhiên, DN vẫn đang gặp một số khó khăn là thiếu lao động, xử lý ca F0, F1 còn chậm. Đồng Nai chưa cho các ca F1 nguy cơ thấp đi làm việc như TP.HCM nên nguy cơ thiếu lao động rất cao.
Khánh Minh