Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) dần thích nghi với tình hình mới để tiếp tục sản xuất. Để đảm bảo sản xuất, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chú trọng hơn đến việc tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước.
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) dần thích nghi với tình hình mới để tiếp tục sản xuất. Để đảm bảo sản xuất, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chú trọng hơn đến việc tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước. Đây là cơ hội để các DN kết nối cung - cầu.
Sản xuất các linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG |
Đồng Nai là một trong những trung tâm hàng đầu của Việt Nam về sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu qua các nước trên thế giới, tỉ trọng tiêu thụ ở thị trường trong nước rất ít. Nếu kết nối cung - cầu tốt sẽ giúp cho DN FDI và DN có vốn đầu tư trong nước mở rộng được thị trường tiêu thụ và giảm nhập siêu.
* Nhu cầu tìm nguyên liệu trong nước tăng
Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều DN FDI tại Đồng Nai cho hay, họ rất muốn tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào tại Việt Nam để giảm bớt nhập khẩu. Như vậy, DN sẽ chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, giảm được nhiều thời gian chờ đợi và chi phí vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về. Trong bối cảnh thời gian vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng gấp đôi, chi phí vận chuyển tăng 3-4 lần, việc đi lại giữa các nước để kiểm tra hàng hóa trước khi mua khó khăn thì việc tìm được nhà cung ứng trong nước là điều nhiều DN mong muốn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Khoảng 4-5 trước, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu đến 80%, nhưng hiện nay chỉ còn nhập 50%. Trong đó, có những đơn hàng nguyên liệu trong nước đáp ứng được trên 90%. Các DN ngành dệt may đều rất muốn tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước để giảm nhập khẩu. Do đó, những DN phụ trợ cho ngành dệt may có sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh rất dễ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước”.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có kế hoạch phát triển cho 5-10 năm tới, mục tiêu giảm nhập khẩu nguyên liệu, tăng xuất khẩu. Mục tiêu trên sẽ mở rộng cửa cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển mở rộng thị phần nội địa.
Nhiều ngành khác như: sản xuất máy tính, điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải, phụ tùng; giày dép; xơ sợi dệt; sản phẩm sắt thép... đều có xu hướng tìm mua nguyên liệu trong nước.
Ông Tetsuji Kobayashi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kobe En&M Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các cấu kiện kim loại nên thường xuyên nhập khẩu số lượng lớn sắt thép từ các nước. Công ty rất muốn tìm nguyên liệu trong nước để bớt nhập khẩu. Các DN tại Đồng Nai và những tỉnh, thành khác đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, công ty sẵn sàng hợp tác để mua hàng”.
* Cung, cầu vẫn chưa gặp nhau
Hầu hết các DN đều muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm để xuất khẩu vào những quốc gia Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại mại tự do có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan, tăng sức cạnh tranh. Những năm gần đây, nguồn cung nguyên liệu trong nước của nhiều ngành hàng liên tục tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong đó, có nhiều DN công nghiệp hỗ trợ vẫn chỉ tập trung cho xuất khẩu nên còn thiếu mặn mà với thị trường trong nước. Vì thế, cùng một loại sản phẩm nhưng DN này xuất khẩu, DN nghiệp khác lại nhập khẩu về.
Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) cho hay: “Hoàn Mỹ chuyên sản xuất các loại nút áo bán cho các nhãn hiệu nổi tiếng ở châu Âu, Hàn Quốc. Nhiều DN ngành dệt may Việt Nam lại nhập khẩu các loại nút đó từ các thương hiệu trên để đem về sản xuất. Theo đó, chiếc nút áo đã sang nước ngoài rồi quay trở về Việt Nam, giá có thể đội lên gấp nhiều lần so với đặt hàng trực tiếp cho Hoàn Mỹ sản xuất”.
Thực tế nhiều mặt hàng khác cũng vậy, đơn cử như các DN trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng của năm 2021 đã phải chi gần 1,5 tỷ USD để nhập khẩu chất dẻo, nhưng tại Đồng Nai có nhiều DN sản xuất và xuất khẩu chất dẻo với kim ngạch 385 triệu USD. Nếu như các DN trên có thể liên kết, đặt hàng với nhau sẽ tạo thuận lợi cho cả hai bên.
Theo ông Masahiro Ariga, Trưởng ban Kết nối DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, hằng năm hiệp hội đều phối hợp với Đồng Nai và các tỉnh, thành khác tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa DN Nhật Bản và DN có nguồn vốn trong nước để cung ứng sản phẩm cho nhau. Qua đó, một số DN đã kết nối và ký hợp đồng trở thành đối tác.
Đồng Nai hiện có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với hơn 1,7 ngàn dự án thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng của ngành công nghiệp hỗ trợ đã vào được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc. Vì vậy, sản phẩm có chất lượng, số lượng đủ khả năng cung ứng cho các DN FDI, DN vốn đầu tư trong nước tại Việt Nam. Vấn đề còn lại là khâu kết nối để bên mua và bên bán gặp nhau. Các DN có thể chủ động thông qua các hiệp hội làm cầu nối gặp gỡ, tiếp cận với khách hàng.
Hương Giang