Cùng với các gói hỗ trợ tín dụng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ về thuế đối với người nộp thuế (NNT) là những cá nhân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp NNT vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Cùng với các gói hỗ trợ tín dụng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ về thuế đối với người nộp thuế (NNT) là những cá nhân, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp NNT vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Hàng loạt xe buýt, xe vận tải hành khách nằm tại bến xe Biên Hòa từ nhiều tháng nay. Ảnh: N.Liên |
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây khó khăn cho các DN và cá nhân, Chính phủ tiếp tục có những chính sách miễn giảm thuế sâu hơn về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân…
* DN, cá nhân và gánh nặng chi phí
Là DN có hơn 80 đầu xe cùng với hơn 100 nhân viên và tài xế hoạt động trong lĩnh vực xe buýt và xe hợp đồng đưa đón công nhân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty hiện có hơn 50% tổng số xe phục vụ 4 tuyến xe buýt liên tỉnh và nội tỉnh, số còn lại phục vụ đưa đón công nhân.
Từ cuối tháng 5-2021, hai tuyến xe buýt liên tỉnh đi TP.HCM là 603 và số 5 phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Đến đầu tháng 7, hai tuyến xe buýt nội tỉnh (tuyến số 7 và 8) cũng tạm ngừng để chống dịch, tiếp theo đó là hàng chục xe dịch vụ đưa đón công nhân cũng phải ngưng hoạt động do các DN thực hiện “3 tại chỗ”.
Đến nay, ngoài số ít nhân viên văn phòng đang làm việc tại công ty nhận được 50% lương hằng tháng, 100% tài xế và nhân viên phục vụ xe đều thất nghiệp. Dù xe tạm ngừng hoạt động 100% nhưng hằng tháng Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú vẫn phải chi trả đủ 400 triệu đồng tiền gốc và lãi cho khoản nợ vay ngân hàng để đầu tư xe mới cho các tuyến xe buýt đang hoạt động.
Không nằm ngoài khó khăn chung của các DN vận tải, ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Hà (TP.Biên Hòa) cho biết, hầu hết các DN vận tải, du lịch, lữ hành… hiện nay đều gặp khó khăn do thị trường vận tải hành khách bị đóng băng. Dù đã kịp thời xoay xở hướng hoạt động trong đại dịch nhưng công suất hoạt động vẫn nằm ở mức thấp, do đó, công ty của ông Minh vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính với các khoản nợ ngân hàng vẫn phải đóng đúng và đủ hằng tháng.
Không chỉ DN kinh doanh vận tải, ghi nhận tình hình chung hiện nay cho thấy, diễn biến phức tạp của đại dịch đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của DN và người dân, đặc biệt là DN có quy mô nhỏ và vừa, các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực như: du lịch, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, xuất bản... Do đó, để chuẩn bị cho những hoạt động trở lại trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ cùng các ngành chức năng đã có những chính sách mới nhằm chia sẻ, hỗ trợ DN, cá nhân khi thực hiện tái khởi động.
* Tạo “đòn bẩy” từ chính sách thuế
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo thuận lợi cho NNT, góp phần khuyến khích sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh, Chính phủ đang có những dự thảo nhằm hỗ trợ DN, cá nhân thông qua các chính sách về thuế.
Theo nội dung Dự thảo nghị định quy định một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, NNT là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh mọi ngành nghề sẽ được miễn toàn bộ các loại thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV-2021; đối với DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập DN.
Đặc biệt, để hỗ trợ NNT có động lực tái hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ quyết định giảm thuế GTGT kể từ ngày 1-10-2021 đến hết 31-12-2021 đối với DN, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành kinh tế, vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác). Các loại hình khác như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; các hoạt động về lĩnh vực xuất bản, điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình… cũng được giảm.
Các DN, cá nhân trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, du lịch cũng như các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ cho biết, với những khó khăn như hiện nay thì việc được thụ hưởng những chính sách ưu đãi về thuế sau khi các hoạt động được trở lại trong trạng thái “bình thường mới” sẽ là động lực để cá nhân và DN cố gắng hơn nữa khắc phục khó khăn sau đại dịch.
Bà NGUYỄN THỊ THU THỦY, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú chia sẻ: “Trước kia, công ty của tôi mỗi tháng phải nộp hơn 100 triệu đồng thuế GTGT trong điều kiện hoạt động bình thường và hàng trăm triệu đồng tiền thuê đất. Nếu các chính sách ưu đãi được áp dụng khi các hoạt động được trở lại sẽ giúp chúng tôi giảm đáng kể chi phí vận hành. Trường hợp chưa thể hoạt động lại như mong muốn, chúng tôi hy vọng các ngân hàng xem xét giãn hoặc giảm thêm lãi suất ngân hàng để DN như chúng tôi có thể vượt qua khó khăn và không trở thành nợ xấu ngân hàng, ảnh hưởng đến uy tín và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay trong tương lai”. |
Ngọc Liên