Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, ngành Dệt may của Đồng Nai chịu tổn thất khá nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã ngừng hoạt động hoặc chỉ giữ được 30% công suất. DN dệt may hy vọng quý IV-2021, dịch bệnh được kiểm soát tốt để hoàn tất và nhận thêm đơn hàng mới.
Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, ngành Dệt may của Đồng Nai chịu tổn thất khá nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã ngừng hoạt động hoặc chỉ giữ được 30% công suất. DN dệt may hy vọng quý IV-2021, dịch bệnh được kiểm soát tốt để hoàn tất và nhận thêm đơn hàng mới.
Sản xuất tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, dệt may là một trong 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Trong 8 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt gần 1,14 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may vẫn giữ mức tăng trưởng dương là nhờ vào 6 tháng đầu năm hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng khá cao.
* Nhiều đơn hàng bị ảnh hưởng
Trong nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào ngành Dệt may của Việt Nam gặp nhiều khó khăn như quý III-2021. Bắt đầu từ cuối tháng 6-2021, khi đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng và lây lan với tốc độ nhanh, nhiều nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ duy trì được 20-30% lao động để hoàn thành các đơn hàng gấp. Lao động tham gia sản xuất không đủ kéo theo công suất cũng giảm, dẫn đến nhiều đơn hàng của đối tác trong nước, nước ngoài phải kéo dài thời gian thực hiện hoặc phải hủy. DN dệt may thiệt đơn, thiệt kép nhưng vẫn phải chấp nhận. Ngành Dệt may có đặc điểm là sử dụng nhiều lao động, DN rất nặng gánh trong việc chăm lo, trả lương để giữ chân người lao động.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt hơn 15,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm khoảng 9,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trong tháng 7, 8-2021, dệt may cả nước bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh vì khoảng 50% nhà máy sản xuất nằm ở các tỉnh, thành phía Nam, tập trung ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương.
Đợt dịch lần thứ tư đã khiến khoảng 35% nhà máy dệt may phải tạm dừng sản xuất vì không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Nhiều nhà máy ở phía Nam dừng hoạt động, giảm công suất đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng của cả nước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Đến cuối tháng 6-2021, có 75% DN đã nhận đơn hàng đến hết năm và 25% đến cuối quý III, đầu quý IV-2021. Thế nhưng, trong tháng 7, 8-2021, dịch bệnh Covid-19 lây lan ra diện rộng đã làm cho nhiều DN không thể sản xuất, gây ra ảnh hưởng liên hoàn là hàng giao trễ, đối tác đã giảm đơn hàng nên năm nay ngành dệt may khó đạt kế hoạch xuất khẩu 39 tỷ USD”.
Tại Đồng Nai, 2 tháng gần đây, xuất khẩu dệt may giảm sâu so với những tháng đầu năm do nhiều DN có từ 1-5 ngàn người chỉ thực hiện phương án lưu trú tại nhà máy được khoảng 20-30% lao động.
* Vẫn đối mặt với rủi ro
Theo các DN dệt may ở Đồng Nai, tháng 9-2021, xuất khẩu sẽ tiếp tục suy giảm vì đa số các nhà máy đang hoạt động cầm chừng. Vì vậy, DN trông đợi vào 3 tháng cuối năm các tỉnh, thành phía Nam khống chế được dịch bệnh, kinh tế khơi thông để hoàn tất những đơn hàng đã ký kết và nhận thêm đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm tới.
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay: “Năm 2021, đầu ra của sản phẩm dệt may rất thuận lợi, công ty có nhiều đơn hàng từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Australia. Thế nhưng, đợt dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát khiến công ty bị ảnh hưởng rất lớn. Công ty đang hy vọng trong cuối tháng 9-2021, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, giao thương trở lại bình thường để khôi phục lại sản xuất và tăng tốc để bù lại cho quý III-2021”.
Tuy nhiên, nhiều DN dệt may tại Đồng Nai cũng như cả nước vẫn đang lo lắng, vì tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động trong các nhà máy còn rất thấp, mới được hơn 30% (chủ yếu mũi 1). Nếu người lao động không được tiêm vaccine sẽ không đảm bảo để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh và dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Trong DN xuất hiện ca nhiễm bệnh Covid-19, thiệt hại sẽ rất lớn, có thể khiến các dây chuyền sản xuất bị đình trệ.
Bên cạnh đó, DN dệt may đang đối mặt với áp lực thiếu hụt lao động cho sản xuất. Vì thời gian qua, lao động được nghỉ dài ngày, nhiều người đã về quê chưa trở lại.
Theo đó, ngành Dệt may của Đồng Nai cũng như cả nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, DN có khôi phục được sản xuất hay không lệ thuộc rất lớn vào việc dập dịch, có nguồn vaccine để tiêm phòng cho tất cả lao động và lộ trình mở cửa kinh tế của các tỉnh, thành. Đồng thời, DN cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ DN về vốn, thuế, tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phí... của Chính phủ sẽ triển khai nhanh và thủ tục đơn giản để có thể tiếp cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Đồng Nai đang xây dựng lộ trình tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ tăng tốc tiêm vaccine và phủ rộng tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho người dân đến hạn và tiếp tục bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Những khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ chuyển sang trạng thái bình thường để phục hồi kinh tế”.
Hương Giang