Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 14) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 7-9-2021.
Ngành Ngân hàng cần có những phương án hỗ trợ tín dụng phù hợp, sát sườn đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì tình hình dịch Covid-19. Trong ảnh: Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.QUÂN |
Với thông tư mới này, nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang mong muốn sớm được tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất vay vốn từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng…
* Nhiều điểm mới về hỗ trợ tín dụng
So với Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN trước đó, Thông tư 14 này có một số sửa đổi quan trọng. Theo đó, Thông tư 14 cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Trong khi trước đó chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 10-6-2020.
Một trong những điểm nổi bật nhất của Thông tư 14 là việc cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30-6-2022, tức là kéo dài thêm 6 tháng so với thông tư trước đó.
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, có thể kéo dài, tác động của dịch Covid-19 còn có “độ trễ” khiến nhiều DN còn gặp khó khăn về sau này. Ngay cả khi sắp tới các hoạt động có thể trở lại trạng thái “bình thường mới” thì để các DN khôi phục dần cũng mất khá nhiều thời gian... Việc hỗ trợ các DN, trong đó có các hỗ trợ về tín dụng cần tính tới phương án “hậu Covid-19” để hỗ trợ DN phục hồi một cách thực tế, phù hợp, hài hòa giữa DN và ngân hàng. |
Theo lý giải của NHNN Việt Nam, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Tại dự thảo thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 30-6-2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, Thông tư 14 còn bổ sung một số trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày 7-9-2021.
Theo đại diện NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Thông tư 14 bổ sung một số quy định mở hơn so với Thông tư 01 và Thông tư 03 trước đó nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng cá nhân và DN, nhất là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến cuối tháng 6-2022 sẽ giúp nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 giảm bớt áp lực tài chính, từ đó có thêm cơ hội phục hồi sản xuất - kinh doanh.
* DN chờ đợi “phao cứu sinh” về vốn
Thông tư 14 với các quy định điều chỉnh, bổ sung có nhiều điểm mới so với các Thông tư 01 và Thông tư 03 trước đây, khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh các phương án hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc thông tư này triển khai như thế nào trong thực tiễn.
Các ngân hàng sẽ cần có những phương án hỗ trợ phù hợp về lãi suất, đơn giản tối đa các thủ tục, tăng tính dễ tiếp cận để các phương án hỗ trợ tín dụng trong Thông tư 14 phát huy hiệu quả, nhất là khi nhiều DN đang thực sự khó khăn, chật vật vì dịch bệnh, cần những trợ lực, “phao cứu sinh” kịp thời trong giai đoạn hiện nay.
Ông N.D.H., chủ một DN về vận tải ở TP.Biên Hòa bày tỏ, hiện công ty đã nhận được thông báo của ngân hàng về việc giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng trước những khó khăn từ dịch bệnh. Tuy nhiên, với mức giảm lãi suất “nhỏ giọt” khoảng 0,3-0,5%/năm như hiện nay thì chưa đúng như kỳ vọng của DN. Mức giảm này chưa tương ứng với mức độ khó khăn, thiệt hại mà DN đang phải đối mặt trước những tác động của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh “cầm chừng”, gián đoạn. Công ty mong muốn phía ngân hàng sẽ có phương án giảm thêm lãi suất để DN giảm bớt những áp lực về tài chính, áp lực trả nợ trong giai đoạn này.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai chia sẻ, Thông tư 14 về mặt chủ trương là hợp lý, cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn. Thông tư này có nhiều điểm mới hơn các thông tư trước nhưng để DN tiếp cận được nguồn vay vốn ưu đãi này thì vẫn phải chờ các ngân hàng thương mại triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãm lãi vay…
Các khoản nợ cần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Nguyện nhấn mạnh, trên thực tế, trong giai đoạn này, nhiều DN không dễ để chứng minh được năng lực tài chính, chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh đến doanh thu, thu nhập... Hơn thế nữa, nhiều DN đang gặp khó khăn chồng chất vì dịch bệnh nên rất khó để chứng minh, đáp ứng các điều kiện, tiêu chí để được hỗ trợ vay vốn.
Hải Quân