Là địa phương thu hút đông đảo doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư sản xuất, kinh doanh, những năm qua, hoạt động hợp tác giữa Đồng Nai và Nhật Bản, nhất là về kinh tế, đang được đẩy mạnh. Nhu cầu về linh kiện, sản phẩm trong nước từ DN Nhật là cơ hội để các công ty công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam gia tăng cung ứng hàng hóa, sản phẩm.
Là địa phương thu hút đông đảo doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư sản xuất, kinh doanh, những năm qua, hoạt động hợp tác giữa Đồng Nai và Nhật Bản, nhất là về kinh tế, đang được đẩy mạnh. Nhu cầu về linh kiện, sản phẩm trong nước từ DN Nhật là cơ hội để các công ty công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam gia tăng cung ứng hàng hóa, sản phẩm.
Cơ hội hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản rất rộng mở. Trong ảnh: Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại hội nghị kết nối giao thương năm 2020. Ảnh: Văn Gia |
Để thúc đẩy hợp tác, hàng chục DN Nhật Bản và Việt Nam đã được Đồng Nai khảo sát, nắm bắt nhu cầu, năng lực, từ đó có giải pháp hỗ trợ, tạo cơ hội kết nối giữa các bên.
* Nhiều DN có sản phẩm tiềm năng
Công ty TNHH Cơ khí chính xác Đức Khang Phát (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) được thành lập vào tháng 7-2017, có các đối tác là công ty Nhật Bản về sản phẩm nhựa, linh kiện xe hơi, đồ dùng điện công nghiệp, dân dụng. DN này đang từng bước trở thành một trong những công ty gia công cơ khí chính xác uy tín tại Việt Nam. Đội ngũ điều hành được làm việc, đào tạo tại các công ty Nhật Bản về kỹ thuật và học hỏi được quy trình làm việc theo chuẩn Nhật. Nguồn khách hàng từ công ty Nhật Bản chiếm tới 90% doanh thu hằng năm, 10% còn lại thuộc về các công ty khác và có sự tăng trưởng từ 20-30% mỗi năm.
Trong đại dịch Covid-19, công ty vẫn đảm bảo được quy trình cũng như thời gian báo giá từ 2-24 giờ và giao hàng từ 1-30 ngày. Công ty đang trong quá trình đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất để mang đến những sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các khách hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.
Tương tự, Công ty TNHH Trường Thư Phát (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) chuyên sản xuất bu lông, ốc, vít và chốt các loại cho các công ty nội địa và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Đứng chân ở nơi có nhiều khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp đang hoạt động như: KCN Bàu Xéo, KCN Sông Mây, KCN Hố Nai; Cụm công nghiệp Cây Gáo, Hưng Thịnh, An Viễn… giúp công ty có thể tiếp cận với nhiều khách hàng FDI. Sản phẩm CNHT của công ty hiện đang xuất cho đối tác Đài Loan 70%, Nhật Bản 20% và khách hàng nội địa 10%.
Một DN khác là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ NV Precision (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chuyên thiết kế và gia công chi tiết máy công nghiệp với độ chính xác cao trên mọi vật liệu (đồng, nhôm, nhựa, thép - inox). Với sự nỗ lực, công ty ngày càng phát triển, gia công sản phẩm CNHT cho các công ty Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc...
Theo đại diện các DN, từ sự tín nhiệm của khách hàng và tiếp tục giới thiệu cho bạn bè của họ nên cơ hội bán hàng cho DN FDI và xuất khẩu ngày càng rộng mở. Các DN cũng tiếp tục nỗ lực để có thể đáp ứng các nhu cầu của khách hàng thông qua máy móc, trang thiết bị tốt và đội ngũ nhân lực tại chỗ có tay nghề cao. Sản phẩm có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, nhưng so với sự cạnh tranh trên thị trường và so với hàng ngoại nhập thì tiềm lực DN trong nước vẫn còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn, nhất là về công nghệ, thông tin, sự kết nối bạn hàng, DN rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.
* Tích cực hỗ trợ kết nối
Tháng 4-2021, Đồng Nai và Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai) đã ký kết hợp tác với các nội dung phát triển ngành CNHT, đào tạo và cung cấp nhân lực, lĩnh vực môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Cụ thể hóa những nội dung hợp đã ký kết, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM thực hiện khảo sát hội viên trong tháng 5. Qua đó, nhiều DN Nhật Bản đang cần tìm nhà cung cấp cho nhiều lĩnh vực/sản phẩm như: gia công và sửa chữa khuôn nhựa, phụ kiện khuôn, xử lý bề mặt, gia công kim loại, bao đóng gói sản phẩm, gia công cơ khí, linh phụ kiện điện - điện tử, mạ kẽm nhúng nóng…
Từ nhu cầu nói trên, Tổ Điều phối viên xúc tiến phát triển CNHT Đồng Nai đã thống nhất lựa chọn 40 DN có vốn đầu tư trong nước và 10 DN Nhật Bản để triển khai khảo sát từ tháng 7 đến tháng 9-2021. Thông qua khảo sát sẽ lựa chọn các DN nội có thể cung ứng linh kiện/sản phẩm cho đối tác Nhật Bản để mời tham gia hội nghị giao thương DN Việt - Nhật được tổ chức trong thời gian tới.
Ngoài việc lựa chọn DN có khả năng cung ứng sản phẩm, linh kiện, các cuộc khảo sát cũng sẽ giúp cho tổ điều phối viên nói riêng, cơ quan quản lý nói chung hiểu được năng lực của DN.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Tổ phó Tổ Điều phối viên cho biết sẽ hỗ trợ các DN CNHT Việt Nam xây dựng, áp dụng hoạt động 3S và an toàn trong sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng của DN cho các đối tác. Thành viên tổ điều phối là lãnh đạo Trường đại học Đồng Nai, Trường đại học Lạc Hồng, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai sẽ hỗ trợ đưa sinh viên tham quan, thực tập và cung ứng nguồn nhân lực khi DN có nhu cầu.
Văn Gia