Báo Đồng Nai điện tử
En

Gói vay không lãi suất trả lương cho người lao động: Hiệu quả vẫn chưa cao

11:09, 06/09/2021

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ DN, đã có nhiều gói chính sách được ban hành, trong đó có việc hỗ trợ vay không lãi suất để trả lương cho người lao động (NLĐ).

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ DN, đã có nhiều gói chính sách được ban hành, trong đó có việc hỗ trợ vay không lãi suất để trả lương cho người lao động (NLĐ).

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói vay trả lương người lao động và phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa: V.gia
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói vay trả lương người lao động và phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa: V.gia

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, số lượng DN tiếp cận được gói hỗ trợ này vẫn còn rất ít.

* Chưa nhiều DN được vay

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết DN, việc cách ly y tế, giãn cách xã hội cũng khiến số DN phải tạm ngừng hoạt động tăng cao, nhiều lao động phải ngưng việc. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 và Quyết định số 23/QĐ-CP ngày 7-7-2021 quy định các DN sẽ được vay vốn với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương ngừng việc cho NLĐ và vay vốn trả lương khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Triển khai quyết định trên, ngày 21-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 10/2021 về việc cấp vốn cho NHCSXH để giải ngân cho DN vay. Cụ thể, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất quá hạn là 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày NHNN giải ngân tái cấp vốn đối với NHCSXH và được áp dụng đối với từng lần giải ngân. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31-3-2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước.

Tại Đồng Nai, đến giữa tháng 8, NHCSXH chi nhánh Đồng Nai đã chủ động triển khai các nội dung trên đến gần 5 ngàn DN trên địa bàn, tuy nhiên chưa nhiều DN phản hồi. Trong đó, có 3 DN được giải ngân với số tiền 515 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 118 lao động với lãi suất 0%.

Cụ thể là Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông đô thị Đồng Nai vay 132,6 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 15 lao động. Công ty CP Đồng Việt Thành vay 362 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 82 lao động. Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Hưng Lộc Phát vay 19,6 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 5 lao động.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng NHCSXH chi nhánh Đồng Nai, ngoài 3 trường hợp nói trên, chuẩn bị có thêm 2 DN nữa được chấp thuận và giải ngân vốn vay trả lương cho NLĐ. Trong thời gian tới, hệ thống NHCSXH sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục để đáp ứng nhu cầu vay tín dụng chính sách theo quy định.

Như vậy có thể thấy, số lượng DN được tiếp cận và giải ngân vốn vay còn rất khiêm tốn, trong khi có tới hàng ngàn DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho NLĐ. Trong tình hình dịch bệnh còn kéo dài, nhu cầu về vốn vay lại càng lớn, điều này khiến cho việc triển khai chính sách không đạt được hiệu quả tích cực.

* Nới lỏng điều kiện, vẫn khó tiếp cận vốn vay

Theo các DN, so với gói vay trong năm 2020 thì gói vay trả lương lần này trên một mức độ nào đó có nới lỏng về điều kiện hơn, song mức độ nới lỏng vẫn cách xa so với thực tế mà DN gặp phải.

Cụ thể, để tiếp cận nguồn vốn tín dụng này, người sử dụng lao động phải không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Ngoài ra, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm NLĐ ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022.

Riêng với trường hợp vay vốn tín dụng chính sách để trả lương phục hồi sản xuất thì người vay phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022; ở các lĩnh vực: vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022.

DN cho rằng, dù họ có muốn vay nhưng với những tiêu chí trên sẽ rất khó để tiếp cận. Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho hay số lượng lao động của đơn vị so với thời điểm trước dịch đã giảm đi đáng kể, DN buộc phải co hẹp sản xuất. Đối với nhiều DN, hiện nay đã phải vay nợ nhiều nơi để duy trì sản xuất, trả lương cho NLD, việc quy định không có nợ xấu ngân hàng cũng là một rào cản.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn du học Nhật Ngữ cho hay, là đơn vị đào tạo và dịch vụ nên dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN.

Theo ông Tuyến, đối với gói vay trả lương này cũng có những DN đủ điều kiện vay, nhưng nguồn vay dự kiến chỉ khoảng 30-50 triệu đồng cho 3 tháng, không giải quyết được gì nhiều. Vì thế, dù là gói chính sách mục tiêu hướng đến DN nhỏ và vừa, nhưng điều kiện thì DN nhỏ và vừa lại không phù hợp, thủ tục lại phức tạp nên họ đã phần nào chùn bước.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều