Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó nguồn vật liệu cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

02:09, 30/09/2021

Sau gần 1 năm khởi công xây dựng gói thầu xây lắp số 3-LX dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhưng khối lượng công việc mới đạt hơn 15%. Đơn vị thi công như đang "ngồi trên lửa". Nguyên nhân của việc chậm tiến độ này là do thiếu nguồn đất đắp nền đường.

Sau gần 1 năm khởi công xây dựng gói thầu xây lắp số 3-LX dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhưng khối lượng công việc mới đạt hơn 15%. Đơn vị thi công như đang “ngồi trên lửa”. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ này là do thiếu nguồn đất đắp nền đường.

Thi công cống chui tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua xã Suối Cát, H.Xuân Lộc. Ảnh: V.Nam
Thi công cống chui tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua xã Suối Cát, H.Xuân Lộc. Ảnh: V.Nam

Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GT-VT vừa kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ để có nguồn đất tiếp tục thi công.

* Thiếu đất “đè” tiến độ

Trong những tháng qua, đơn vị thi công đã chạy khắp nơi tìm mua đất để làm đường nhưng bất thành, bởi trong khu vực thiếu mỏ đất đang khai thác, nơi có mỏ thì đất không đạt chất lượng.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, gói thầu số 3-LX có chiều dài hơn 35km đi qua địa bàn 2 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh. Dự án cần đến 3,4 triệu m3 đất để đắp nền đường, nhà thầu đã tận dụng từ nguồn đất đào san lấp được 1,2 triệu m3 và còn lại đang thiếu 2,2 triệu m3.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI lưu ý: “Khi khai thác, vận chuyển vật liệu đắp nền đường từ các mỏ đất, đơn vị thi công phải thỏa thuận cam kết với người dân xung quanh không làm ảnh hưởng. Những tuyến đường vận chuyển bị hư hỏng phải sửa chữa ngay, nếu để người dân phản ánh UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ GT-VT cho dừng ngay dự án”.

Hiện chỉ có 2 mỏ vật liệu san lấp Bình Minh của H.Xuân Lộc và Chính Nghĩa của H.Cẩm Mỹ có nguồn đất đạt yêu cầu kỹ thuật và nằm trong quy hoạch. Hai mỏ này có tổng trữ lượng khai thác ước tính khoảng 1,2 triệu m3 đang được đơn vị thi công xin cấp phép. Việc cấp phép theo Luật Khoáng sản năm 2010 dự kiến mất từ 6-8 tháng mới hoàn thành thủ tục để khai thác. Thủ tục cấp phép gồm 7 bước, đến nay mới thực hiện xong được 1 bước.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc dự án thi công gói thầu số 3-XL chia sẻ: “Ngoài các mỏ chờ cấp phép thì quanh khu vực thi công với bán kính 50km không có mỏ đất nào đang khai thác đủ tiêu chuẩn để nhà thầu mua về đắp đường. Đất là vật liệu rẻ nhất trong số vật liệu thi công đường nhưng không có đất đắp nền thì công trình “đứng im”. Thời gian thi công theo hợp đồng chỉ còn 13 tháng nữa nên rất cấp bách”.

Để có đất thi công, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ để rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác 2 mỏ đất trên, cùng với đó cho phép nhà thầu mua gom đất cải tạo từ đất nông nghiệp hạ cốt nền có đủ chất lượng để về đắp đường.

* Hỗ trợ tối đa cho dự án

Ông Hải cho biết thêm, thời gian qua, đơn vị đã đi khảo sát và liên hệ với các hộ dân để mua lại đất cải tạo hạ cốt nền đất nông nghiệp tại 2 khu đất ở xã Suối Cát và xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) với tổng trữ lượng ước tính 950 ngàn m3. Đến nay, chủ đầu tư đã thỏa thuận xong với các hộ dân có nhu cầu hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp và đang kiến nghị địa phương cho phép thực hiện.

Cũng theo ông Hải, không phải đất hạ cốt nền đất nông nghiệp nào cũng sử dụng được, đơn vị chỉ chọn mua loại đất đảm bảo kỹ thuật đắp đường nên không được nhiều. Đơn cử như khảo sát tại khu đất xã Xuân Hưng với diện tích đất đồi gần 7,3ha nhưng chỉ sử dụng được khoảng 350 ngàn m3. Dù vậy, đây cũng là phương án để nhà thầu có nguồn đất thi công đường.

Về vấn đề này, đại diện Phòng TN-MT H.Xuân Lộc cho biết, huyện đã nhận được kiến nghị của nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 3-LX dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xin được sử dụng đất cải tạo hạ cốt nền từ đất nông nghiệp ở 2 khu vực trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, việc này đang “vướng” bởi UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương không tiếp nhận hồ sơ cải tạo đất nông nghiệp có thu hồi đất, đá làm vật liệu san lấp. Có nghĩa là chỉ cho phép cải tạo đất nông nghiệp nhưng không thu hồi đất, đá làm vật liệu san lấp chuyển ra ngoài.

Liên quan đến văn bản chỉ đạo trên của UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, UBND tỉnh có văn bản không cho thu hồi đất, đá làm vật liệu san lấp từ việc cải tạo đất nông nghiệp chuyển ra ngoài để tránh trường hợp lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp bán đất, đá san lấp mặt bằng không thể kiểm soát. Trường hợp cụ thể phục vụ dự án trọng điểm quốc gia như tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thì vẫn có thể cho thực hiện dựa trên đánh giá cụ thể.

Tại cuộc khảo sát thực địa các mỏ đất phục vụ cho dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã chỉ đạo: “Trên tinh thần kiến nghị của chủ đầu tư và đơn vị thi công gói thầu xây lắp số 3-LX, địa phương đề xuất UNBD tỉnh cho thực hiện theo đúng quy định. Giao Sở
TN-MT làm đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá trữ lượng sớm tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho cải tạo đất để đẩy nhanh tiến độ dự án”.

Gói thầu xây lắp số 3-LX dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được liên danh nhà thầu gồm Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính, liên danh Vinaconex - Trung Chính khởi công xây dựng vào ngày 15-10-2021. Gói thầu này thi công tuyến đường có chiều dài 35,33km, xây dựng 24 cầu, 16 cống hộp và 5 hầm chui.

Vân Nam

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích