Tại tọa đàm trực tuyến Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMTMN đang hoàn thiện có thay đổi về giá mua bán điện, quy mô dự án, tỷ lệ tự dùng.
Tại tọa đàm trực tuyến Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMTMN đang hoàn thiện có thay đổi về giá mua bán điện, quy mô dự án, tỷ lệ tự dùng.
Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng khu công nghiệp. Ảnh minh họa: TUYẾT HOA |
Thông tin này được nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và cung ứng thiết bị, nhà đầu tư dự án và DN có nhu cầu lắp ĐMTMN để sử dụng quan tâm.
* Nhiều chính sách thay đổi
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho biết, trong dự thảo quyết định cơ chế phát triển năng lượng tái tạo sẽ không còn cơ chế giá FIT (giá ưu đãi cố định) 20 năm như trước đây, thay vào đó khung giá sẽ được ban hành hằng năm theo khung giá phát điện Bộ Công thương ban hành từng năm.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất áp tỷ lệ tự dùng đối với các dự án. Cụ thể, dự án ĐMTMN phải sử dụng tại chỗ 70-90% công suất, phần còn lại 10-30% được bán cho ngành Điện.
Dự thảo cũng không khống chế định mức công suất dự án lắp đặt dưới 1MWp mà có thể nâng quy mô 2-3MWp hoặc hơn. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN trong khu công nghiệp tận dụng tối đa hệ thống mái nhà xưởng, không phải chia nhỏ dự án ĐMTMN mà vẫn được ký hợp đồng bán điện.
Đến hết năm 2020, Đồng Nai có hơn 5,9 ngàn công trình ĐMTMN đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia với tổng công suất lắp đặt lên tới 688 MWp và tổng sản lượng phát lên lưới đạt hơn 73 triệu kWh. Từ đầu năm 2021 đến nay, không có dự án nào ký hợp đồng đấu nối phát điện. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện có khoảng 70% các dự án ĐMTMN do DN đầu tư kinh doanh, khoảng 20% hộ gia đình lắp đặt, chỉ khoảng 10% dự án ĐMTMN do công ty, nhà máy đầu tư 100% lấy điện cho sản xuất.
“Thời gian qua, rất ít công ty trong các khu công nghiệp lắp đặt ĐMTMN để sử dụng, có chăng cũng chỉ là dự án thử nghiệm, quy mô nhỏ. Nguyên nhân là do chủ dự án phải có giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường trong khi những thủ tục này họ đều đã có trước đó. Chuyên môn và nguồn lực của các công ty là sản xuất một hoặc vài mặt hàng, khó tính toán được tính hiệu quả của dự án. Vốn đầu tư cho các dự án ĐMTMN phục vụ sản xuất công nghiệp rất lớn, trong khi Chính phủ chưa có chính sách mua điện dư thừa từ dự án này. Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN ở Việt Nam chỉ áp dụng cho dự án dưới 1MWp, có hiệu lực trong năm 2020” - ông Tuấn chia sẻ.
* Cần chính sách nhất quán, lâu dài
3 năm trở lại đây, chính sách giá mua bán ĐMTMN liên tục thay đổi. Từ đầu năm 2021 đến nay, chính sách này bị bỏ trống. Thêm vào là những vướng mắc liên quan đến phát triển dự án ĐMTMN trong các khu công nghiệp nên nhà đầu tư, DN sản xuất chưa yên tâm triển khai dự án.
Giám đốc Công ty TNHH Lộc Phát Đồng Nai Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự thay đổi về chính sách là rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư dự án ĐMTMN. Dự án càng lớn thì rủi ro càng nhiều, bởi công trình ĐMTMN có tuổi thọ trên 10 năm, vốn đầu tư phải vay ngân hàng, lãi suất trả hằng tháng trong khi giá mua bán điện thay đổi từng năm.
Theo văn bản số 3833/UBND-KTN ngày 12-4-2021 về việc phát triển ĐMTMN và điện mặt đất trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai mời gọi và khuyến khích các DN đầu tư dự án ĐMTMN vào các khu dân cư, khu công nghiệp, trang trại, khu chăn nuôi tập trung. Tỉnh tạo điều kiện để nhà đầu tư kết nối với các DN trong khu công nghiệp và hỗ trợ tối đa về thủ tục pháp lý để dự án được triển khai thuận lợi. |
Đại diện Công ty CP KTG Energy (TP.HCM) cho biết, từ năm 2015, công ty đã nghiên cứu và tham gia vào mảng năng lượng tái tạo với vai trò là nhà đầu tư dự án và bán vật tư. Tại Đồng Nai, công ty đã triển khai hàng loạt dự án ĐMTMN trong các khu công nghiệp: Tam Phước (TP.Biên Hòa), An Phước (H.Long Thành), Nhơn Trạch 2 và Nhơn Trạch 3 (H.Nhơn Trạch) và hệ thống nhà xưởng của các công ty thuộc Tập đoàn KTG. Những dự án này đã đóng điện vào năm 2019, 2020. Năm 2021, công ty tiếp tục tìm kiếm đối tác là DN sản xuất, chủ mái nhà xưởng cùng tham gia lắp đặt ĐMTMN. Tuy nhiên, do chính sách chưa có, dịch bệnh khiến DN gặp khó khăn về tài chính nên chưa có dự án triển khai. Công ty mong muốn chính sách ĐMTMN mới sẽ tạo được niềm tin, sự an tâm cho nhà đầu tư và DN sử dụng điện.
Ông Trịnh Ngọc Quyết Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh (TP.HCM) cho rằng, chính sách giá ĐMTMN tác động rất lớn đến nhu cầu và quyết định đầu tư của người dân, DN. Bằng chứng là số lượng dự án ĐMTMN lắp đặt và đưa vào sử dụng trong năm 2020 tăng vọt nhờ chính sách ưu đãi giá cố định 20 năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ĐMTMN gần như “đóng băng”. Dưới góc độ DN kinh doanh thiết bị và thi công lắp đặt, công ty mong DN không phải “chạy theo”, chờ chính sách. Chính sách mới hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư - người sử dụng điện - ngành Điện.
ĐMTMN là loại hình năng lượng tái tạo, sử dụng nguồn năng lượng này không chỉ khai thác được lợi thế tài nguyên thiên nhiên, tận dụng mái nhà sẵn có mà còn giúp tiết kiệm tiền điện và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để ĐMTMN phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhà đầu tư cần chính sách ổn định lâu dài.
Lê An