Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa

09:09, 14/09/2021

Trong thời gian qua, số lượng các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa đang có dấu hiệu tăng lên.

Trong thời gian qua, số lượng các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa đang có dấu hiệu tăng lên.

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh:V.Gia

Vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng, cũng như có thể tác động tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

* Nhiều mặt hàng có nguy cơ cao...

Lẩn tránh phòng vệ thương mại là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, từ đó làm giảm hiệu quả của biện pháp này. Ngoài ra, không ít trường hợp hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan. Vào giữa tháng 8 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã cập nhật danh sách cảnh báo 10 mặt hàng có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, các mặt hàng này gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Đáng chú ý, các mặt hàng này đều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC chia sẻ, Sở thường xuyên bám sát chương trình thông tin, tuyên truyền của Bộ Công thương về hội nhập FTA. Sở cũng liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ Công thương để cập nhật, cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường xuất khẩu, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… của các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, trong thời gian tới, Sở sẽ linh động nhiều hình thức kết nối các chương trình, hoạt động trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận các thông tin về hội nhập, xúc tiến thương mại trên nền tảng số…

Danh sách nói trên được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ, tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng này.

Theo nhiều chuyên gia, những hiện tượng gian lận, lẩn tránh phòng vệ thương mại hay giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện ngày càng nhiều hơn với nhiều thủ đoạn mới và tinh vi hơn. Đặc biệt, các hình thức gian lận “mượn” nhãn mác, nguồn gốc để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các doanh nghiệp nội địa, đồng thời tác động không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với các nhóm hàng Việt.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, các vụ việc vi phạm liên quan đến phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ sẽ có nguy cơ cản trở xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở địa phương nói riêng. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh ngày càng quan tâm tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa để chủ động đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu trong quá trình hội nhập.

* Cần chủ động ứng phó

Chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, nguồn gốc bất hợp pháp… là những vấn đề mà các nước nhập khẩu hàng hóa thường áp dụng, có những điều khoản ràng buộc tại các FTA. Do đó, doanh nghiệp cần từng bước nâng cao năng lực, chủ động tìm hiểu, đáp ứng các điều kiện, tiêu chí về quy tắc xuất xứ để hội nhập, cũng như ứng phó kịp thời khi có tranh chấp xảy ra.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Quy tắc xuất xứ được ví như một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, CPTPP, RCEP đầy tiềm năng.

Ông Nguyễn Tiến Chương cho biết thêm, những năm qua, Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thường xuyên có các chương trình để thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, tổ chức những lớp tập huấn liên quan đến các vấn đề phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa đối với các FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động, chương trình tập huấn bị gián đoạn, chưa thể triển khai. Trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Hội sẽ có phương án tổ chức các chương trình phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, thành viên của Hội nâng cao các kiến thức về hội nhập, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, thuế quan… liên quan đến các FTA.   

        Lam Phương

Tin xem nhiều