Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách giữ hệ sinh thái rừng

08:08, 03/08/2021

Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai vừa ban hành cho thấy, Đồng Nai có hơn 171 ngàn ha đất lâm nghiệp. Đất rừng của tỉnh có thảm thực vật và hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, hệ sinh thái này đang có nhiều thay đổi.

Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai vừa ban hành cho thấy, Đồng Nai có hơn 171 ngàn ha đất lâm nghiệp. Đất rừng của tỉnh có thảm thực vật và hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, hệ sinh thái này đang có nhiều thay đổi.

 Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, một trong 8 khu vực đa dạng sinh học tập trung
Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, một trong 8 khu vực đa dạng sinh học tập trung

Thực hiện đề án Quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, các đơn vị chủ rừng đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục và bảo vệ rừng tự nhiên.

* Hệ sinh thái đa dạng

Tính đến cuối năm 2020, Đồng Nai có 171,2 ngàn ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 30% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó bao gồm: đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và diện tích đất chưa có rừng. Nhiều khu vực rừng có đa dạng sinh học tập trung, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên cho cả khu vực Đông Nam bộ.

Để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8265/KH-UBND về thực hiện đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ trồng 20 triệu cây xanh trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT) cho biết, qua rà soát đánh giá có 8 khu vực đa dạng sinh học tập trung đó là: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm trường La Ngà, rừng phòng hộ Tân Phú, núi Chứa Chan, rừng phòng hộ Long Thành - Nhơn Trạch, sông Đồng Nai - hồ Trị An, sông Thị Vải và lưu vực. Đây là những khu vực có chứa nguồn gen đa dạng với thành phần và số lượng loài động, thực vật phong phú. Nhiều loài thực vật, thú, chim quý và bò sát có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Những năm qua, nhờ bảo vệ nghiêm ngặt nên không có suy giảm đáng kể về diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên, do diện tích rừng giàu, rừng ít bị tác động của biến đổi khí hậu chiếm tỷ lệ không lớn nên việc phục hồi, lai tạo các loài động vật hoang dã, mở rộng quần thể gặp nhiều khó khăn. Chất lượng rừng tự nhiên đang suy giảm theo 2 chiều: cây già cỗi chết dần nhường chỗ cho các loài cây ưa sáng của rừng thứ sinh phát triển mạnh; khu vực rừng nghèo kiệt được ưu tiên khai phá để trồng mới nên có sự chuyển đổi từ đa dạng loài về thuần loại.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa, thay đổi dòng chảy và ô nhiễm môi trường dẫn đến suy giảm sinh học của các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước, làm mất nơi cư trú của một số loài. Sự gia tăng nhiệt độ có thể làm mất rừng tre nứa La Ngà, đe dọa môi trường sống của loài voi; thay đổi cấu trúc loài thực vật ưu thế và đặc trưng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vào năm 2050. Mực nước dâng và xâm nhập mặn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái dưới nước và ven bờ. Số lượng loài cá ở các lưu vực sông, hồ giảm; thực vật ở rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có dịch chuyển vào đất liền.

Những tác động tiêu cực của biến đối khí hậu và môi trường làm cho thảm thực vật và hệ sinh thái rừng bị thu hẹp, ranh giới các loại rừng thay đổi. Một số loài động, thực vật không kịp thích nghi sẽ dần bị tiệt chủng dẫn đến suy giảm hệ sinh thái; một số loài ngoại lai, loài tiêu diệt lẫn nhau phát sinh ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái.

* Tìm giải pháp phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng

Đồng Nai có hệ sinh thái rừng đa dạng bậc nhất khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, tác động của tăng dân số, cùng với áp lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh và biến đổi khí hậu, hệ sinh thái rừng và sự đa dạng sinh học đang có nhiều thay đổi. Do đó, trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030, các đơn vị chủ rừng ưu tiên giải pháp phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, đơn vị đã lập kế hoạch tổng thể triển khai Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 đáp ứng 3 tiêu chí: môi trường, xã hội và kinh tế. Trong phương án quản lý rừng bền vững, đơn vị đề ra nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên gần 60 ngàn ha, phục hồi hơn 7,5 ngàn ha rừng già cỗi. Xây dựng phương án bảo vệ quần thể các loài động, thực vật, đặc biệt là lai tạo các loài có nguy cơ tiệt chủng. Đơn vị sẽ thí điểm mô hình đồng quản lý bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân vùng lân cận. Kinh doanh du lịch và hợp tác cho thuê dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn thu, tái phục vụ cho bảo vệ và phát triển rừng.

Tại rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng cũng xây dựng các giải pháp để giữ và phát triển hệ sinh thái. Đó là trồng mới hơn 74ha rừng, trồng lại hơn 244ha rừng khai thác và khoán trồng cây lấy gỗ khoảng 1,7 ngàn ha. Thực hiện phân vùng các khu vực có giá trị bảo tồn cao để theo dõi diễn biến và tìm giải pháp phục hồi các loài. Nâng cấp 29km đường, trạm, đồn phục vụ quản lý, bảo vệ rừng và khai thác dịch vụ du lịch với mục tiêu doanh thu 10 tỷ đồng vào năm 2030.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành Lê Thuần Thành cho rằng, để phục hồi, duy trì và phát triển hệ sinh thái, Ban đã xây dựng đề án phát triển du dịch sinh thái và đang mời gọi đầu tư; phối hợp với 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch tổ chức các đợt truy quét ngăn chặn khai thác thủy sản, động vật, cây lấy gỗ và xây dựng trái phép trên phạm vi quản lý. Cùng với đó, đơn vị thực hiện trồng cây ở khu vực bãi bồi, rừng khai thác; điều tra tổng thể thành phần loài, phân bố, đặc điểm của các loài thực vật, động vật, từ đó đề xuất biện pháp diệt trừ loài ngoại lai gây hại và bảo vệ các loài đặc trưng.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều