Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thống nhất phương án đóng cửa các giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ. Mỗi địa phương đề xuất thực hiện thí điểm đóng cửa giếng khoan bắt buộc ở một xã/phường, sau đó triển khai toàn tỉnh.
Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thống nhất phương án đóng cửa các giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ. Mỗi địa phương đề xuất thực hiện thí điểm đóng cửa giếng khoan bắt buộc ở một xã/phường, sau đó triển khai toàn tỉnh. Đây là một trong những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trong đề án Cung cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.
Người dân H.Cẩm Mỹ khoan giếng lấy nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.LỘC |
Việc đóng cửa giếng khoan tự phát nhằm 2 mục đích chính là nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch sinh hoạt trong nhân dân và bảo vệ nguồn nước ngầm.
* Cần thiết đóng cửa giếng khoan tự phát
Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện xây dựng đề án Cung cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 diễn ra cuối tháng 7-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, để nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch và bảo vệ nguồn nước ngầm, phải đóng cửa các giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ. Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu, thống nhất ý kiến và đề xuất UBND tỉnh phương án đóng cửa các giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ. Mỗi huyện, thành phố đề xuất một xã/phường để thực hiện thí điểm bắt buộc trước khi nhân rộng ra toàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 405 ngàn công trình khai thác nước dưới đất. Trong đó, có hơn 129 ngàn giếng đào, hơn 175 ngàn lỗ khoan. Tổng lượng nước khai thác dưới đất hơn 1,2 triệu m3/ngày đêm, mật độ khai thác nước dưới đất là 209m3/ngày/km2. Có khoảng 90% công trình giếng đào tập trung ở vùng nông thôn, tỷ lệ này ở thành thị chỉ chiếm 10%. Đối với lỗ khoan, khoảng 99% lỗ khoan nhỏ quy mô hộ gia đình, 1% còn lại là lỗ khoan khai thác nước tập trung phục vụ cho sản xuất công nghiệp hoặc cấp nước tập trung. |
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh, hiện nay, các công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động chỉ hơn 50% công suất. Nguyên nhân một phần là do người dân dùng nước giếng khoan. Tỷ lệ hộ gia đình đăng ký sử dụng nước sạch thấp, một số nơi chỉ dùng nước máy vào mùa khô, khi giếng khoan hết nước. Đây là lý do khiến các dự án cấp nước sạch nông thôn khó kêu gọi nhà đầu tư, chậm triển khai, trong khi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm.
Phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) là địa phương có khoảng 90% dân số đang sử dụng giếng khoan tự phát cho mục đích sinh hoạt. Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND P.Tam Phước cho rằng, để đóng cửa các giếng khoan thì phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân. “Hiện nay, P.Tam Phước mới có khoảng 10% dân số sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Kế hoạch của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai là sau năm 2022 mới đầu tư một số tuyến đường ống cấp nước sạch cho một vài khu phố. Đóng cửa giếng khoan ở khu vực vừa có hoạt động công nghiệp, vừa có khai thác đá như Tam Phước là cần thiết, nhưng phải có nước sạch đến nhà dân trước” - ông Cường chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, ông Đào Quý Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn Tính cho rằng, nguồn nước, nguồn vốn và tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch là những yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả của việc đầu tư công trình nước sạch. 5 năm qua, cả 3 dự án cấp nước sạch cho người dân của công ty trên địa bàn TP.Long Khánh bị chậm tiến độ vì những lý do trên.
Ông Tính dẫn chứng, dự án Cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân tại P.Xuân Lập (TP.Long Khánh) được chấp thuận đầu tư năm 2016. 5 năm sau, dự án chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, nguồn nước. Trong thời gian này,
P.Xuân Lập liên tục gia tăng các giếng khoan, từ 35 giếng năm 2016 lên 315 giếng năm 2020. Điều này sẽ làm hạn chế nhu cầu sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Theo ông Tính, phải đóng cửa giếng khoan tự phát mới phát huy hiệu quả công trình cấp nước tập trung.
* Bảo vệ nguồn nước ngầm
Đóng cửa giếng khoan là cần thiết khi nguồn nước ngầm nhiều nơi bị suy giảm cả về mực nước lẫn chất lượng. Tuy nhiên, để đóng cửa giếng khoan phải có lộ trình và song hành với việc hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch cho người dân. Do đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thí điểm đóng giếng khoan ở các phường, xã có hạ tầng nước sạch hoàn thiện, đủ nguồn cấp cho người dân.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT), hoạt động khai thác nước ngầm cho mục đích sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Trong cùng khoảng thời gian quan trắc, các năm từ 2015-2018, mực nước ngầm ghi nhận tăng; nhưng từ năm 2019-2020, mực nước ngầm giảm do lượng mưa ít và phân bố tập trung. Tại một số địa phương thuộc các huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và TP.Biên Hòa, kết quả quan trắc trữ lượng nước ngầm sụt giảm vào mùa khô, mức độ sụt giảm tăng nhẹ qua các năm. Cùng với đó, các thành phần đánh giá chất lượng nước như: Fe, pH, acid dao động, một số vượt tiêu chuẩn cho phép cần tiếp tục theo dõi và có biện pháp khắc phục.
Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ môi trường, trữ lượng nước ngầm đáp ứng được nhu cầu của người dân ở hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050, nếu không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thì nguồn tài nguyên này suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của hàng trăm ngàn hộ gia đình. Chất lượng nước ngầm tương đối ổn định nhưng suy giảm vào mùa khô.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, công tác quản lý khai thác nguồn nước ngầm hiện nay còn bất cập. Quản lý khai thác nước ngầm đô thị thuộc Sở Xây dựng, ở nông thôn thuộc Sở NN-PTNT và UBND cấp huyện, còn đánh giá trữ lượng và chất lượng nước ngầm thuộc ngành TN-MT. Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định, các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm từ 10m3/ngày trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép nhưng trên thực tế phần lớn giếng khoan nhỏ lẻ, giếng khoan của hộ gia đình vẫn theo dạng tự khoan. Tại các công trình khai thác nước dưới đất không có vùng bảo vệ (vùng phòng hộ vệ sinh).
Để bảo vệ nguồn nước ngầm, từ năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành quy định không cấp phép khai thác nước dưới đất tại các khu vực đã được cấp nước máy tập trung. Tiếp đó, năm 2017, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục vùng cấm khai thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới công trình khai thác nước dưới đất, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất tại từng địa phương. Cuối năm 2020, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, cập nhập, bổ sung vùng hạn chế, cấm khai thác nước ngầm.
Hoàng Lộc