Với diện tích gần 70 ngàn ha, cây ăn trái là mặt hàng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến đầu ra gặp khó khăn, nhiều loại trái cây có sản lượng lớn, tính thời vụ cao gặp nhiều rủi ro, rơi vào cảnh cần "giải cứu".
Với diện tích gần 70 ngàn ha, cây ăn trái là mặt hàng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến đầu ra gặp khó khăn, nhiều loại trái cây có sản lượng lớn, tính thời vụ cao gặp nhiều rủi ro, rơi vào cảnh cần “giải cứu”.
Nông dân trồng bưởi ở xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) lo khó về đầu ra nên điều chỉnh rải vụ, không dồn thu hoạch vào vụ bưởi Tết Nguyên đán. Ảnh: B.Nguyên |
Theo đó, nông dân trồng cây ăn trái đang tập trung điều chỉnh mùa vụ, tăng cường rải vụ nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, hạn chế rủi ro về đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về lâu dài, nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của thị trường.
* Giảm thu hoạch tập trung
Đồng Nai có nhiều loại cây ăn trái với diện tích trồng lớn, sẽ cho thu hoạch với sản lượng lớn như: bưởi, chuối, thanh long, xoài… Trước khó khăn về đầu ra, nhiều nông dân chủ động điều chỉnh mùa vụ, rải vụ thu hoạch nhằm tránh rủi ro đầu ra.
Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) cho biết, vài tháng trở lại đây, giá thanh long luôn ở mức thấp, có thời điểm giá bán tại vườn dưới 5 ngàn đồng/kg. Giá thấp nhưng không phải lúc nào gọi cũng có thương lái đến mua vì xuất khẩu bị đình đốn, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng giảm mạnh vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc trưng của cây thanh long cho thu hoạch quanh năm nên khi gặp khó về đầu ra, nhiều nhà vườn đã tỉa bỏ từ khi cây ra hoa, giảm bớt lứa thu hoạch để giảm đầu tư, giãn bớt các lứa thu hoạch để không rơi vào cảnh trồng ra rồi đổ bỏ. Ông Ngọc cho biết: “Thời điểm này, các nhà vườn trồng thanh long đều đồng loạt thắp đèn làm trái vụ chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu cuối năm. Nhưng dự báo thời gian tới, thị trường xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước có thể gặp khó khăn nên nhiều nhà vườn không dồn sức làm trái vụ, để cây cho thu hoạch tự nhiên nhằm giảm chi phí đầu tư, vừa không lo ùn ứ”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân trồng bưởi ở xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết, hiện giá bưởi bán ra thị trường rất thấp vì khó tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, vụ bưởi Tết Nguyên đán năm nay, nhiều nhà vườn không dám mạnh tay đổ vốn đầu tư dồn thu hoạch vào cùng thời điểm mà có điều chỉnh xử lý khi cây ra hoa để rải vụ thu hoạch.
* Nhìn vào thị trường để sản xuất
Trong tình hình mới, thị trường có nhiều xáo trộn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo cho nông dân trong việc cần thay đổi tư duy sản xuất nhìn từ góc độ thị trường để hạn chế rủi ro nông sản bị ùn ứ vì sản xuất chạy theo phong trào.
Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chỉ ra, nông dân cứ có đất, có nguồn lực, thấy người khác làm hiệu quả là làm theo, rất ít suy nghĩ đến việc trồng xong bán đi đâu. Nhà nước có quy hoạch phát triển cây trồng nhưng nông dân lại không quan tâm mà thấy cây gì có lợi là trồng. Sản xuất chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường đang là điểm rất yếu của nông dân. Mỗi vùng, mỗi địa phương cần định hướng quy hoạch và nông dân cần tôn trọng quy hoạch đó vì nó được tính toán trên cơ sở khoa học. Nhà nước cần quan tâm kêu gọi liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể quản lý được sản lượng, hạn chế rủi ro sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Trong tình hình hiện nay, cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là đầu tư khu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến để khắc phục tính chất thời vụ của nông sản.
Đưa ra góc nhìn khác, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail (đầu tư hệ thống Big C) cho rằng, nông sản Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi có dịch bệnh thì xuất khẩu bị đình trệ. Trong tình hình khó khăn hiện nay, nông dân nên tìm hiểu, nhìn vào nhu cầu của người tiêu dùng khi sản xuất và cả khi bán hàng, phải xác định rõ sản phẩm thế mạnh của mình. Trong sản xuất, nông dân phải tính chuyện lâu dài và phải nhớ nằm lòng là sản phẩm phải an toàn, đừng nghĩ trồng cho thiệt nhiều, giá bán nông sản thiệt rẻ.
Bình Nguyên