Gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng khiến dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan (TP.Biên Hòa) tiếp tục bị trễ hẹn khởi công.
Gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng khiến dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan (TP.Biên Hòa) tiếp tục bị trễ hẹn khởi công.
Do chưa thể triển khai các dự án chống ngập 3 tuyến suối nên quốc lộ 51 thường xuyên xảy ra ngập nước khi trời mưa. Ảnh: P.TÙNG |
Dự án này cũng vừa được thông qua quyết định chủ trương đầu tư lần thứ 2 do chi phí giải phóng mặt bằng tăng, vì thời gian thực hiện kéo dài.
* Điều chỉnh tăng vốn
Khu vực các phường Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, An Hòa (TP.Biên Hòa) là địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước khi có mưa lớn. Đặc biệt, tình trạng ngập nước khi trời mưa diễn ra thường xuyên và trầm trọng trên tuyến quốc lộ 51.
Trước thực trạng đó, năm 2016, HĐND tỉnh đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan nhằm giải quyết tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại địa bàn các phường nói trên.
Để thực hiện dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan, TP.Biên Hòa phải thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng diện tích hơn 12ha với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 470 hộ và 3 tổ chức. Trong số này, có 140 hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc địa bàn các phường: Phước Tân, Long Bình Tân và An Hòa. |
Tháng 7-2018, HĐND tỉnh đã thông qua quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Sau đó, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án Chống ngập khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan. Tổng kinh phí cho dự án khoảng 157 tỷ đồng, trong đó chi phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hơn 93,6 tỷ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020.
Tuy nhiên, do quá trình giải phóng mặt bằng của dự án kéo dài, kế hoạch khởi công ban đầu đã không thể thực hiện. Vì vậy, thời điểm khởi công dự án sau đó đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh điều chỉnh sang tháng 5-2020. Thế nhưng, việc khởi công dự án lại một lần nữa trễ hẹn và nguyên nhân chính vẫn là do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Không được bàn giao mặt bằng sạch khiến chủ đầu tư không thể khởi công dự án.
Giải phóng mặt bằng kéo dài khiến dự án bị chậm tiến độ, tại Kỳ hợp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh đã tiếp tục thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án sẽ được tăng lên mức hơn 267 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên mức hơn 210 tỷ đồng.
* Khó khởi công trong năm 2021
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, thực tế, dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan đã có từ năm 2012. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do chưa bố trí được nguồn vốn nên dự án không được triển khai.
Năm 2017, dự án được khởi động trở lại và được bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2018. Tháng 10-2018, hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án được tách thành tiểu dự án và UBND TP.Biên Hòa được giao thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian kéo dài nên các biến động về đất đai ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của thành phố.
“Tình trạng tách thửa đất, mua bán, chuyển nhượng và xây dựng nhà cửa diễn ra nhiều nên hồ sơ bồi thường năm 2012 không còn phù hợp. Vào tháng 3-2019, thành phố mới thực hiện đo đạc lại toàn bộ theo hiện trạng thực tế để làm lại hồ sơ bồi thường. Do đó, thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng kéo dài” - ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa vẫn đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, trong đó đẩy nhanh công tác xử lý nội nghiệp đối với các hồ sơ chưa được phê duyệt phương án bồi thường.
Ông Trần Thanh Cảnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa cho biết, để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cũng đã xác định sẽ làm theo hướng “cuốn chiếu”, hoàn thành theo từng km dự án để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. “Sau khi hoàn thành công tác phê duyệt phương án bồi thường, thành phố sẽ mời người dân để vận động bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc này chưa thể thực hiện được” - ông Trần Thanh Cảnh cho hay.
Đối với công tác triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây dựng và đang chờ bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công. Tuy nhiên, với thực tế công tác giải phóng mặt bằng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự án khó có thể khởi công trong năm 2021.
“Với tình hình thực hiện giải phóng mặt bằng như hiện nay, việc khởi công dự án trong năm 2021 là rất khó” - ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh nhận định.
Phạm Tùng