Trong ngành sản xuất đồ gỗ ở Đồng Nai, các cơ sở gỗ mỹ nghệ đóng vai trò khá quan trọng, tạo việc làm cho lao động ở địa phương cũng như đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ gỗ.
Trong ngành sản xuất đồ gỗ ở Đồng Nai, các cơ sở gỗ mỹ nghệ đóng vai trò khá quan trọng, tạo việc làm cho lao động ở địa phương cũng như đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ gỗ.
Sản xuất tại một cơ sở mộc mỹ nghệ ở H.Trảng Bom. Ảnh: Văn Gia |
Khác với các doanh nghiệp sản xuất gỗ hiện đại, các doanh nghiệp, cơ sở mộc mỹ nghệ thủ công có quy mô sản xuất khiêm tốn và được tập trung tại một số địa phương như: Biên Hòa, Trảng Bom, Xuân Lộc. Đồng Nai đang xây dựng đề án sản xuất chế biến lâm sản bền vững, trong đó tính toán lại việc sắp xếp, phân bố các cơ sở mộc thủ công mỹ nghệ này.
* Đa dạng các dòng sản phẩm
Đối với ngành sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ, lâm sản, Đồng Nai có sự cân bằng hơn so với một số địa phương sản xuất trọng điểm lân cận như tỉnh Bình Dương, TP.HCM. Ngoài các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu lớn, Đồng Nai còn có các làng nghề sản xuất truyền thống với nhiều cơ sở mộc nội thất, mỹ nghệ. Các cơ sở trên địa bàn tỉnh tạo ra nhiều sản phẩm, đa dạng chủng loại, mẫu mã phục vụ nhu cầu của khách hàng. Đồ gỗ mỹ nghệ thường được chế biến bằng máy móc kết hợp công nghệ thủ công như: chạm, khắc, khảm sơn mài. Đồ gỗ mỹ nghệ bao gồm các loại sản phẩm như: tượng bằng gỗ, các sản phẩm bằng gốc và rễ cây, các loại tranh gỗ, tranh chạm khắc, tranh khảm trai, tranh ghép gỗ, bàn ghế, giường tủ các loại, đôn kỷ, án thư, bàn trà, tủ chè… và các sản phẩm mỹ nghệ kết hợp song, mây, tre, trúc, vật liệu khác.
Sản xuất mộc truyền thống, gỗ thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và H.Xuân Lộc. Thị trường tiêu thụ đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ngày càng được mở rộng, cả trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, một số sản phẩm mộc mỹ nghệ như: thuyền buồm, máy bay, ô tô, xe mô hình… xuất xứ từ Đồng Nai không những nổi tiếng cả nước mà còn được đánh giá khả quan trên thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở Mộc mỹ nghệ Thành Nhân ở H.Trảng Bom thì cơ hội cho việc phát triển đồ thủ công mỹ nghệ là rất lớn, trong đó khách hàng phương Tây ưa chuộng những sản phẩm mô hình làm từ gỗ. Vấn đề là làm sao có thể liên kết được các cơ sở sản xuất này lại với nhau, cùng nâng cấp kỹ thuật chế tác, nhất là trình độ thiết kế sản phẩm đạt yêu cầu của đối tác nước ngoài thay vì phần lớn làm gia công như hiện nay.
Bên cạnh việc nâng chất, xây dựng thương hiệu cho mộc mỹ nghệ của Đồng Nai cũng cần tính toán phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho hoạt động sản xuất đồ mộc từ gỗ cao cấp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước như: công nghiệp cơ khí (linh kiện, phụ kiện), công nghiệp hóa chất (sơn chuyên dụng cho đồ gỗ, keo dán gỗ).
* Sắp xếp lại các khu vực sản xuất truyền thống
Theo đề án Sản xuất chế biến lâm sản bền vững Đồng Nai đến năm 2025, định hướng năm 2030 thì 3 khu vực truyền thống sản xuất đồ mộc và thủ công mỹ nghệ là Hố Nai (TP.Biên Hòa), Bình Minh (H.Trảng Bom) và làng mộc mỹ nghệ Xuân Lộc vẫn sẽ được duy trì. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào kim ngạch sản xuất ngành chế biến gỗ của tỉnh đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, vấn đề lưu ý là đề án xác định sẽ không phát triển mở rộng các khu vực sản xuất truyền thống đồ mộc và thủ công mỹ nghệ tại những khu vực nêu trên vì hiện nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Riêng đối với khu vực sản xuất Hố Nai (giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom) là nơi tập trung hàng trăm cơ sở sản xuất gỗ nội thất và mộc mỹ nghệ sẽ từng bước thu hút và di dời vào các cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ. Đây là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo về môi trường vì nơi đây có mật độ dân cư đông đúc. Khi dời vào cụm công nghiệp thì mặt hàng sản xuất sẽ không làm đại trà mà hướng đến việc chuyên sâu một vài mặt hàng cũng như cải thiện điều kiện sản xuất theo hướng chuyên môn hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đề án cũng đề ra mục tiêu thu hút khoảng 30% doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp; xây dựng được 2 cụm công nghiệp sản xuất chế biến gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần xây dựng chính sách hỗ trợ di dời phù hợp với điều kiện và nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản và thủ công mỹ nghệ.
Theo ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, với đặc thù sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc chuyển dịch sản xuất sang tập trung, đồng bộ là vấn đề đặt ra cho ngành gỗ.
Đối với các địa phương, H.Xuân Lộc đã đề xuất thành lập làng nghề chủ yếu sản xuất đồ gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ ở xã Xuân Tâm. Trong tương lai, Xuân Lộc là nơi được chọn làm trung tâm sản xuất và chế biến lâm sản nên việc sắp xếp cần được tính toán sớm. Trong khi đó, ở TP.Biên Hòa, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư, vấn đề di dời lại càng cấp bách. Doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần phối hợp để mục tiêu sắp xếp sản xuất ngành gỗ, trong đó có các cơ sở gỗ, mộc mỹ nghệ truyền thống được thực hiện một cách hiệu quả. Như vậy, với đề án lần này, Đồng Nai sẽ tiếp tục thúc đẩy sản xuất gỗ thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có tính toán đến việc sắp xếp lại các cơ sở chế biến mộc, mỹ nghệ truyền thống.
Văn Gia