
Trong tháng 7-2021, ngành dệt may, giày dép của Đồng Nai chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì các nguyên nhân chính là nằm trong vùng phong tỏa, xuất hiện ca F0, khó thực hiện phương châm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm".
Trong tháng 7-2021, ngành dệt may, giày dép của Đồng Nai chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì các nguyên nhân chính là nằm trong vùng phong tỏa, xuất hiện ca F0, khó thực hiện phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”.
![]() |
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG |
Theo nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, giày dép tại Đồng Nai, gần 1 tháng qua, doanh thu đã bị sụt giảm sâu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng 7-2021.
* Xuất khẩu sụt giảm
Giày dép và dệt may là 2 mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, giày dép là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh với hơn 4 tỷ USD/năm (năm 2020). Đây là mặt hàng 10 năm qua luôn giữ được mức tăng trưởng khá cao. Năm 2020, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba của tỉnh chỉ sau giày dép, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 7-2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép ước đạt hơn 402 triệu USD, giảm gần 7% so với tháng trước đó. Còn dệt may có kim ngạch xuất khẩu gần 152 triệu USD, giảm 8,5%. Giữ được kim ngạch xuất khẩu trên là do hàng hóa của DN còn lại từ những tháng trước chưa xuất hết. Dự tính trong tháng 8-2021, kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng trên sẽ còn sụt giảm mạnh vì hầu hết các nhà máy sản xuất giày dép, dệt may lớn đã tạm dừng hoạt động từ đầu hoặc giữa tháng 7-2021.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 7 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt hơn 1 tỷ USD, giày dép gần 2,78 tỷ USD. Hiện dệt may đã tụt xuống vị trí thứ 5 sau giày dép, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt. |
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt, công ty sản xuất 4 triệu đôi giày/tháng. Tuy nhiên, tháng 7-2021, dịch bệnh lây lan trên diện rộng, công ty tạm dừng hoạt động 5 nhà máy tại Đồng Nai, doanh thu gần như không có”. Cũng theo ông Phúc, Công ty CP Taekwang Vina Industrial có kế hoạch cho người lao động nghỉ đến hết ngày 1-8-2021 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng nếu tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công ty phải tính toán cho người lao động nghỉ tiếp. Nếu vậy, sản xuất và doanh thu tháng 8-2021 dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu.
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty có 2 nhà máy chuyên sản xuất các loại chăn, drap, gối, nệm đặt ở TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu. Thế nhưng, 1 nhà máy ở TP.Biên Hòa nằm ở khu vực bị phong tỏa phòng dịch nên phải dừng sản xuất hơn 2 tuần nay. Nhà máy tại H.Vĩnh Cửu đang thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động, nhưng công suất chỉ đạt 30-40% vì thiếu lao động, nguyên liệu đầu vào”. Cũng theo ông Linh, nhiều DN dệt may khác cũng đang cầm cự và hy vọng đợt dịch lần thứ tư này sẽ nhanh chóng được khống chế để có thể khôi phục lại sản xuất.
* Lo phải dừng hoạt động dài ngày
Để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, nhiều công ty giày dép, dệt may có số lượng lao động lớn đã dừng hoạt động từ 10-15 ngày như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam có 42 ngàn lao động; Công ty CP Taekwang Vina Industrial 33 ngàn lao động; Công ty TNHH Giày Dona Standard 29 ngàn lao động; Công ty TNHH Pousung Việt Nam khoảng 25 ngàn lao động; Công ty TNHH Pouchen Việt Nam 17 ngàn lao động; Công ty TNHH Hwaseung Vina 15 ngàn lao động... Vấn đề các DN đang rất lo lắng là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp buộc DN sẽ phải kéo dài thời gian cho lực lượng lao động nghỉ việc. Như vậy, nhiều đơn hàng giày dép, dệt may của DN sẽ không đáp ứng được tiến độ giao hàng cho đối tác.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho biết: “3 nhà máy của công ty ở các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Long Thành đều phải tạm dừng hoạt động khoảng 2 tuần, vì quá đông công nhân không thể thực hiện được phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Nếu tới đây dịch bệnh chưa khống chế được, DN buộc phải xem xét cho người lao động nghỉ tiếp một thời gian nữa, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Những DN hoạt động trên lĩnh vực giày dép, dệt may đang dừng hoạt động đều là những công ty sản xuất, xuất khẩu lớn của tỉnh. Vì thế, nếu dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế để các công ty giày dép, dệt may trên địa bàn tỉnh trở lại hoạt động thì sản xuất, xuất khẩu của 2 ngành này trong những tháng cuối năm sẽ hiện hữu nguy cơ “tuột dốc”. Như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh và cả nước, do Đồng Nai đang nằm trong tốp 5 tỉnh, thành xuất khẩu dệt may, giày dép lớn nhất Việt Nam.
Hương Giang